Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT

24/07/2017

Sáng 24/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh- chuyển giao (BOT). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và các bộ, ban ngành có liên quan.

Bố trí các trạm thu phí chưa hợp lý

Báo cáo tại phiên giải trình, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 74 trạm thu phí, Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 14 trạm. Việc đặt trạm thu phí được đặt theo quy định: đường bộ đặt trạm thu phí khoảng cách giữa các trạm thu phí đảm bảo tối thiểu 70km thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định; trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định. Đối với đường cao tốc thực hiện theo hình thức thu phí kín không đặt vấn đề cự ly trạm thu phí.

Báo cáo cũng cho biết, sau khi đặt các trạm thu phí, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư thu phí theo đúng quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể Bộ đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, đăng tải trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý, có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu qua lại gần trạm thu phí, thông qua yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng, miễm phí toàn bộ cho mô tô, xe thô sơ…

Tại phiên gải trình, một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, trên thực tế giám sát cho thấy, khi đưa vào vận hành các công trình BOT, có nhiều phản ứng trái chiều của người dân về vấn đề thu phí và quản lý doanh thu của một số trạm BOT, vị trí đặt các trạm thu phí ở một số nơi chưa được bố trí một cách hợp lý. Do đó, các bộ ngành có liên quan cần có trách nhiệm để khắc phục tình trạng này.

Về vấn đề này, giải trình tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho rằng việc một số người dân chưa đồng tình về vấn đề thu phí như vậy là do việc đặt trạm chưa hợp lý, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tham vấn cộng đồng khi thực hiện dự án. Đồng thời, minh bạch trong quản lý thu phí tại một số trạm BOT chưa được thực hiện tốt cũng là một yếu tố tạo ra những đánh giá tiêu cực từ xã hội đối với chính sách BOT nói chung.

Giải trình thêm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên thế gới hiện nay chỉ có 2 hình thức thu phí là thu phí lượt và thu phí theo chiều dài sử dụng. Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số km thực tế đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc và kiểm soát được sự ra vào của phương tiện. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối.

Do đó, giải pháp để khắc phục một số ý kiến về tình hình thu phí mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra tại phiên giải trình là Ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên trên nguyên tắc phải tham vấn các bên liên quan; giao một cơ quan độc lập chủ trì tiến hành đánh giá tác động mức giá, triển khai thu phí tự động không dừng và xây dựng lộ trình tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động.

Công tác lựa chọn nhà thầu chưa được làm tốt

Phát biểu tại phiên gải trình, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, thực tế giám sát cho thấy, đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Các nhà đầu tư trong nước chưa có kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu tại một số dự án vẫn chưa đạt chất lượng cao.

Một số thành viên Đoàn giám sát chỉ ra rằng, theo quy định của Luật đấu thầu, các nhà đầu tư chịu trách nhiệm ban hành quy chế về lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm về hình thức lựa chọn nhà thầu các gói thầu yêu cầu đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy việc thông báo, cung cấp thông tin mới thầu còn chậm và chưa tuân thủ theo quy định; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công xây lắp tại một số dự án còn chưa phù hợp dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu thi công tham gia dự án năng lực còn chưa mạnh; một số cán bộ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tham gia hoạt động đấu thầu tại một số dự án còn thiếu chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, chưa phù hợp với gói thầu, dự án.

Giải trình tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, xuất phát từ thực tế nêu trên, Bộ đã ban hành Quyết định số 3085/QĐ-BGTVT, nay được thay thế bởi Quyết định số 4255/QĐ-BGTVT quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án đối với các dự án để triển khai thực hiện. Trong đó, nhà đầu tư trình Bộ Giao thông vận tải kết quả đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để kiểm tra năng lực. Qua quá trình triển khai thực tế dự án BOT, từ giai đoạn 2013 đến nay việc áp dụng các quy định tại quyết định nêu trên đã phát huy hiệu quả trong công tác kiểm soát chất lượng, giá thành công trình và năng lực của các nhà thầu tham gia dự án. Tiếp sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan nhà nước thực hiện công tác này.

Về vấn đề này, giải trình thêm tại phiên họp, Bộ Xây dựng cho rằng, để nâng cao chất lượng dự án, cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tăng cường sự tham gia của các tư vấn quốc tế vào quá trình xây dựng và chuẩn bị dự án, một mặt giúp bảo đảm những số liệu đầu vào của dự án tin cậy hơn, mặt khác giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tính toán được phương án tài chính phù hợp mà không mất nhiều chi phí đối với các số liệu dự án. Đồng thời, đảm bảo lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách hoàn thiện quy định về chính sách bảo đảm đầu tư; hạn chế các rủi ro xuất phát từ các chính sách của Chính phủ trong quá trình quản lý điều hành như: tỷ giá hối đoái, điều chỉnh cơ chế chính sách dẫn đến ảnh hưởng lưu lượng xe và doanh thu phí… giảm thiểu những quan ngại của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm

Qua giám sát, các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra rằng, thực tế công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông BOT còn chậm, sự phối hợp của các bộ ngành về cân đối, bố trí quỹ đất còn chưa được phối hợp chặt chẽ, công tác đền bù giải phòng mặt bằng vẫn còn một số tồn tại.

Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, các dự án giao thông như quốc lộ 1A, dự án đường Hồ Chí Minh, cao tốc Hà Nội- Lào Cai… Tuy nhiên theo báo cáo từ các địa phương gửi về Bộ cho thấy, việc thu hồi đất thực hiện các dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa phương như Phú Thọ, Hà Nam, Lạng sơn, Bình Dương, Bình Định… vẫn còn còn chậm tiến độ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, nguyên nhân một số dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm là do công tác quản lý đất đai một số địa phương chưa tốt dẫn đến việc xác định nguồn gốc, đo đạc đất đai làm căn cứ để bồi thường còn khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức và năng lực cán bộ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số nơi vẫn còn hạn chế.

Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài nguyên môi trường trong việc đề xuất nhu cầu và hồ sơ thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có ý kiến cụ thể về việc cân đối, bố trí quỹ đất cho các ngành, tránh trường hợp khi cần triển khai thực hiện thì thiếu căn cứ pháp lý, phá vỡ quy hoạch; Tập trung nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở cấp cơ sở thông qua tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác trên của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường; tăng cường kiểm ta, giám sát việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại địa phương, đặc biệt là các dự án giao thông BOT để đưa ra hướng xử lý ngay khi phát hiện ra bất cập.

Phát hiểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc triển khai các các dự án theo hình thức đầu tư BOT là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, được Chính Phủ và các bộ ngành thực hiện một cách tích cực, đem lại nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự thuận tiện cho người sử dụng trong việc giảm thời gian và chi phí đi lại. Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhưng  trong quá trình tổ chức thực hiện, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Do đó, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại này, chỉ rõ nguyễn nhân dẫn đến sai phạm, đề ra hướng khắc phục triệt để, bảo đảm sự chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn, đúng quy hoạch, đúng chủ trương, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Hồ Hương

Các bài viết khác