Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại do Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn làm việc với Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.
Tham gia Đoàn khảo sát có các thành viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các cán bộ, chuyên viên Vụ Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại
Tham dự buổi làm việc với Đoàn khảo sát, về phía Học viện Quân y có Đại tá PGS.TS. Vũ Nhất Định, Phó Giám đốc Học viện Quân y; đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác; đại diện chỉ huy các Phòng, đơn vị trực trực thuộc Học viện.
Khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, dự án Luật Tham gia lực lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 này. Để phục vụ việc thẩm tra chính thức dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại - cơ quan chủ trì thẩm tra - tổ chức Đoàn khảo sát nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; thu thập tài liệu, thông tin phục vụ thẩm tra Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì cuộc làm việc.
Trung tướng Đỗ Quang Thành nhấn mạnh, Học viện Quân y là một trong những đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng cử lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Học viện cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ về công tác đào tạo, tổ chức, huấn luyện, quản lý Bệnh viện dã chiến cấp 2 trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ. Vì vậy, Đoàn khảo sát làm việc với Học viện nhằm nắm bắt thông tin, báo cáo những kết quả đạt được; đồng thời đề nghị Học viện Quân y báo cáo làm rõ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, cơ chế; đóng góp về dự thảo Luật liên quan đến các vấn đề như: đào tạo, quy trình cử lực lượng, cơ chế đặc thù bảo đảm về mua sắm trang thiết bị, chế độ chính sách cho những người tham gia lực lượng GGHB của LHQ… Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ ghi nhận, tổng hợp, tiếp thu phục vụ việc thẩm tra dự án Luật.
Cần có phương án huấn luyện tạo nguồn từ sớm, quy định rõ tiêu chuẩn sức khỏe đối với lực tham gia GGHB của LHQ
Theo báo cáo của Học viện Quân y, từ năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam cử 02 sĩ quan đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNMISS, Nam Xu-đăng. Tại Học viện Quân y, Công tác GGHB LHQ được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Quân y. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã quán triệt, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ GGHB LHQ đạt hiệu quả cao.

Đại diện Học viện Quân y báo cáo Đoàn khảo sát
Từ khi Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, Học viện Quân y là một trong hai đơn vị, cùng với Bệnh viện Quân y 175 được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện, quản lý Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ. Tính đến nay, Học viện Quân y đã tham gia huấn luyện cho 06 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong đó chủ trì huấn luyện cho 03 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 là BVDC2.2, BVDC2.4, BVDC2.6. Trong quá trình tổ chức huấn luyện, Học viện Quân y luôn bám sát chương trình huấn luyện đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Bên cạnh các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, Học viện Quân y cũng được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chủ trì huấn luyện chuyên môn y tế cho Bệnh viện dã chiến cấp 1 của Đội Công binh. Đến nay, Học viện Quân y đã hoàn thành chương trình huấn luyện cho Bệnh viện dã chiến cấp 1 của 03 thê đội Công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 1 của Đội Công binh số 4 hiện đang được huấn luyện tại Học viện Quân y. Hiện nay, nhân sự tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 được huy động từ các đơn vị Quân y trong toàn quân. Đối với các Bệnh viện dã chiến cấp 2 do Học viện Quân y phụ trách, Học viện luôn bảo đảm quân số tối thiểu 22,2% từ các cơ quan, đơn vị thuộc Học viện (Học viện Quân y bảo đảm 55,5% quân số tham gia Bệnh viện dã chiến 2.2).

Các thành viên Đoàn khảo sát dự cuộc làm việc.
Các quân nhân khi tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 được bảo đảm đầy đủ quyền lợi khi tham gia hoạt động GGHB LHQ theo quy định từ khi tham gia huấn luyện tạo nguồn tại Học viện Quân y cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước. Với riêng các cán bộ, nhân viên của Học viện Quân y, trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ được giữ nguyên 100% các chế độ như khi đang công tác tại Học viện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, các cán bộ, nhân viên được xem xét ưu tiên luân chuyển công tác, bảo đảm tạo điều kiện tối đa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng cá nhân để yên tâm công tác. Cán bộ Chỉ huy các Bệnh viện dã chiến cấp 2 sau khi hoàn thành nhiệm vụ được xem xét, cất nhắc vào vị trí Chỉ huy các Khoa, Bộ môn – Trung tâm thuộc các Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Về hoạt động phối hợp, hợp tác quốc tế, trong quá trình chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, Học viện Quân y đã chủ động phối hợp với Cục GGHB Việt Nam, Cục Đối ngoại làm việc với các đối tác nước ngoài để huy động sự hỗ trợ trong công tác huấn luyện. Bên cạnh các đối tác quốc tế, Học viện Quân y cũng là đầu mối chính của Bộ Quốc phòng, phối hợp với Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ tổ chức huấn luyện chuyên môn y tế cho Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ.
Trước những khó khăn, vướng mắc, Học viện Quân y cho rằng, đối với các chuyên ngành khó tuyển chọn nhân sự, cần có phương án huấn luyện tạo nguồn từ sớm, bảo đảm các đơn vị Quân y trong quân đội sẵn sàng lực lượng khi được giao nhiệm vụ. Về tiêu chuẩn sức khỏe đối với quân nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ, Học viện Quân y đề xuất xây dựng một thông tư thay thế Thông tư 23/2019/TT-BQP, theo đó quy định rõ những tiêu chuẩn sức khỏe đối với lực lượng tham gia GGHB LHQ. Kiến nghị xem xét việc xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý đặc thù, tạo điều kiện đẩy nhanh công tác mua sắm hàng hóa, trang thiết bị bảo đảm mua sắm hàng hóa cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc. Về công tác chính sách, các chế độ, chính sách nên quy định cụ thể, từ đó là cơ sở tham chiếu để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng xây dựng các chế độ chính sách phù hợp với đặc thù của mỗi Bộ. Các chế độ, chính sách nên hướng đến sự ưu tiên về mặt kinh tế, quyền lợi chính trị nhằm thu hút nhân sự cả trong và ngoài quân đội.
Nghiên cứu quy định đặc thù về mua sắm; chế độ chính sách trước, trong và sau thực hiện nhiệm vụ GGHB của LHQ

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc.
Phát biểu trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao kinh nghiệm của Học viên Quân y trong tham gia hoạt động GGHB của LHQ; đề nghị Học viện cho biết thêm ý kiến về vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí cử lực lượng, nêu rõ hơn những khó khăn về ngoại ngữ đối với việc tuyển chọn; khó khăn đối với việc tuyển chọn các chuyên ngành quân y như: bác sỹ sản khoa, chuẩn đoán hình ảnh nữ tham gia lực lượng GGHB của LHQ… Bên cạnh đó, thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Học viện đề xuất thêm quy định liên quan đến các cơ chế, hành lang pháp lý đặc thù về công tác mua sắm, bảo đảm phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia nhiệm vụ GGHB của LHQ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là nhiệm vụ công tác có nhiều khó khăn, thực hiện nhiệm vụ GGHB của LHQ, do đó cần chính sách đặc thù, hỗ trợ cho lực lượng này.
Bên cạnh công tác bảo đảm, huấn luyện, phối hợp các lực lượng trong nước, thành viên Đoàn khảo sát cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm quy định về chế độ chính sách trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ đối với cho lực lượng này để đưa vào luật. Trong đó, một số ý kiến quan tâm đến quy định về chế độ chính sách sau khi thực hiện nhiệm vụ trở về với lực lượng tham gia GGHB của LHQ, trong đó có vấn đề quân hàm. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là cơ chế nào phục vụ kế hoạch tổng thể dài hạn về tuyển chọn nhân sự; Nên chăng có cơ chế thu hút nguồn nhân sự bên ngoài vào quân y để tham gia lực lượng GGHB của LHQ. Đây là vấn đề cần nghiên cứu trong quy định tại Điều 12 dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Học viện có thể luật hóa, xây dựng các quy định cụ thể trong các Nghị định, Thông tư có liên quan.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trần Việt Anh phát biểu tại cuộc làm việc.
Trao đổi lại các ý kiến, nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tá PGS.TS. Vũ Nhất Định, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho rằng, ngoài các cơ chế, chính sách đối với những người được cử đi tham gia lực lượng GGHB của LHQ, cần nghiên cứu để sớm đưa vào luật các chế độ chính sách đối với thân nhân của họ; những người đã tham gia đào tạo, những người huấn luyện nhưng không được tuyển chọn; những người tham gia nhiều lần lực lượng GGHB của LHQ, bởi nếu có chế độ tốt cho những người tham gia rồi thì việc tuyển chọn sẽ dễ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Học viện Quân y cũng báo cáo làm rõ thêm những khó khăn của Học viện trong việc sắp xếp, bố trí công việc là giảng viên đối với những bác sỹ Quân y sau khi kết thúc nhiệm vụ GGHB của LHQ trở về. Về công tác bảo đảm, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ tham gia GGHB của LHQ tại đất nước sở tại, đây cũng là vấn đề khó khăn, cần thiết nghiên cứu để có những quy định đặc thù, phù hợp.
Thay mặt Đoàn khảo sát, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho rằng, qua báo cáo và trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát ghi nhận được nhiều thông tin hữu ích về kết quả tham gia hoạt động GGHB của LHQ tại Học viên Quân y, những khó khăn, kiến nghị của đơn vị. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện, từ năm 2014 đến nay, Học viện Quân y đã trở thành 1 trong những đơn vị chủ công trong việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu kết thúc cuộc làm việc.
“Học viện Quân y đã quán triệt tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm cao đối với các sỹ quan được cử đi tham gia lực lượng GGHB của LHQ, kể cả về chuyên môn, sức khỏe, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được vị thế, hình ảnh của Bộ đội Cụ hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, không những chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn lan tỏa cả những hình ảnh đẹp, cử chỉ đẹp đối với bạn bè quốc tế”, Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh.
Trưởng đoàn khảo sát cũng ghi nhận những ý kiến trao đổi tại buổi thảo luận đã làm rõ hơn những khó khăn, bất cập liên quan đến công tác tuyển chọn nhân sự, đào tạo, huấn luyện, công tác đảm bảo, chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia GGHB của LHQ. Trên phương tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Trung tướng Đỗ Quang Thành nhấn mạnh, những gì thuộc phạm vi, đúng chức năng, thẩm quyền của Quốc hội, Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị để đưa vào luật, đảm bảo tính ổn định. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trưởng đoàn khảo sát cũng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, đưa vào luật những nội dung mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề cụ thể, giao Chính phủ quy định chi tiết, để xây dựng dự án Luật có chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại do Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn làm việc với Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.

Các thành viên Đoàn khảo sát tại cuộc làm việc.

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc.

Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu tại cuộc làm việc.

Đại tá PGS.TS. Vũ Nhất Định, Phó Giám đốc Học viện Quân y

Đại diện Học viện Quân y phát biểu góp ý dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tặng quà lưu niệm Học viện Quân y.

Đoàn khảo sát và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám đốc, chỉ huy các đơn vị thuộc Học viện Quân y.