CẦN MỞ RỘNG HẠN MỨC, ĐỐI TƯỢNG NHẬN CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

25/07/2023

Đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luât Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng cần mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Dự kiến dự án luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai đối với nội dung về tích tụ đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân đã kế thừa quy định của Luật Đất đai hiện hành và bổ sung một số quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa để thể chế chính sách mới được ban hành tại Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Toàn cảnh phiên họp

Tổng hợp ý kiến Nhân dân góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng tổ chức kinh tế được tích tụ đất nông nghiệp bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ hộ gia đình, cá nhân; đề nghị bổ sung quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ hộ gia đình, cá nhân của tổ chức kinh tế; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp nhưng hết thời gian chấp thuận chủ trương mà không thực hiện dự án; cần nghiên cứu điều chỉnh hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp với yêu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, tạo điều kiện để phát triển các dự án đầu tư nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, sạch, sản xuất trên quy mô lớn, tập trung; đề nghị quy định khung về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và giao Chính phủ quy định hạn mức cụ thể để phù hợp với thực tế và khuyến khích sản xuất tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, quy định cụ thể về cách tính hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, việc tính hạn mức này theo địa giới hành chính cấp tỉnh hay trên cả nước đối với một đối tượng sử dụng đất....

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đề nghị rà soát bổ sung đánh giá tác động về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa về tác động đến ổn định xã hội, ổn định thị trường, nhất là đối với việc chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tránh bị lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất, tính phổ biến hay cá biệt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Các nhà quản lý cho rằng, mục tiêu giải quyết vấn đề là nhằm khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Đảm bảo huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tạo sự yên tâm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng cần quy định mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể: Quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào các yếu tố về điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất và chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đánh giá tác động của giải pháp này, các chuyên gia cho rằng, đối với Nhà nước, chính sách này giúp tăng thu ngân sách nhà nước qua các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đối với người dân và doanh nghiệp,  giải pháp này góp phần nâng cao tính chủ động sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập.

Về tác động xã hội, việc quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương; phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ để thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Đối với người dân và doanh nghiệp, giải pháp này giúp tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tích tụ được đất đai với quy mô lớn hơn để yên tâm đầu tư vào sản xuất và thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút được hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có điều kiện về kinh tế, kỹ thuật mà mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa khi họ không bị hạn chế việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Tuy nhiên, nếu mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một bộ phận nông dân sẽ không có đất sản xuất (mất tư liệu sản xuất), làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và có nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những lúc thiên tai, dịch bệnh.

Đối với doanh nghiệp, việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ thu hút được các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Giải pháp này tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thực hiện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa.

Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, đại diện cơ quan soạn thảo đề nghị chọn giải pháp mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Hồ Hương