ĐBQH PHẠM THỊ KIỀU: CÂN NHẮC BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

25/07/2023

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đắk Nông tán thành cao sự cần thiết phải xây dựng dự án luật; tuy nhiên đề nghị cân nhắc bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ dự án luật và từ thực tiễn diễn biến tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở thời gian qua, đại biểu Phạm Thị Kiều tán thành cao với sự cần thiết phải xây dựng dự án luật với tất cả những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở mà chính là đảm bảo sự bình yên trong cuộc sống, đảm bảo sự an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản cho mỗi người dân.

Cân nhắc bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đi vào một số vấn đề cụ thể trong dự án luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan quy định tại Điều 1 dự thảo luật, cần nghiên cứu về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không quá 65 tuổi.

Quy định tại khoản 1 Điều 4 cân nhắc việc bố trí, quy định số lượng cụ thể lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại khu vực đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình bị chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô doanh số. Đồng thời, với việc giao nhiệm vụ cho lực lượng này cũng cần phải giao ngân sách và phải từ Trung ương vì lực lượng này là cánh tay nối dài của lực lượng công an chính quy.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Tại Chương II dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cánh tay nối dài của công an chính quy tại cơ sở, là lực lượng gần dân, sát dân nhưng một số quy định về nhiệm vụ quá lớn. Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với chức năng, quyền hạn của lực lượng này và không trùng lắp với nhiệm vụ của công an nhân dân, dân quân tự vệ và bảo vệ, tính thống nhất với các quy định của luật khác có liên quan, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi khi áp dụng pháp luật.

Tại khoản 2 dự thảo luật, đề nghị điều chỉnh lại như sau: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản của Nhân dân được tuyển chọn tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn là lực lượng có chức năng tham gia phối hợp và hỗ trợ lực lượng công an, chính quyền địa phương và Nhân dân phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là bảo vệ an ninh, trật tự) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố).

Tại điểm a khoản 1 Điều 4 dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ "lý lịch rõ ràng" trước cụm từ "phẩm chất đạo đức tốt" và điều chỉnh như sau: "a. Có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính".

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi cụm từ "bảo đảm an ninh, trật tự" thành "bảo vệ an ninh, trật tự" tại Điều 8 của dự thảo luật cho phù hợp với nội hàm của luật và sửa lại như sau:

Điều 8: "tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ lực lượng công an cấp xã và phối hợp với các lực lượng chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng, phát động, duy trì và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Cân nhắc điều chỉnh Điều 28 của dự thảo luật

Đồng thời, đại biểu cho biết, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo thay cụm từ "mất an ninh, trật tự" thành cụm từ "liên quan đến an ninh, trật tự" để phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì nếu để mất an ninh, trật tự thì gần như không kiểm soát được tình hình trong phạm vi nhất định.

Tại khoản 3 Điều 16 dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giao cho công an cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, chịu trách nhiệm trong việc chấp hành và thanh quyết toán ngân sách nhà nước, bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tại Điều 17 dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ địa điểm, nơi làm việc của lực lượng này. Bố trí địa điểm, nơi làm việc tại trụ sở công an xã hay tại hội trường thôn, bon, tổ dân phố hoặc bố trí nơi làm việc riêng cho các đối tượng này để đảm bảo tính thống nhất giữa các địa phương, vùng miền khi Luật có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, tại Điều 28 dự thảo luật quy định hoạt động phản biện, giám sát chỉ quy định đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, trong khi các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đến 33 tổ chức, các tổ chức này không thực hiện quyền phản biện, giám sát. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh Điều 28 của dự thảo luật cho phù hợp với quy định về hoạt động phản biện xã hội, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Minh Hùng