QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC THÚC ĐẨY THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

16/08/2021

Tại cuộc hội đàm trực tuyến với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Toàn cảnh buổi hội đàm trực tuyến

Vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.

UNESCAP có 52 quốc gia thành viên và 9 thành viên phụ, ủy hội báo cáo cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC). Ngoài các quốc gia tại châu Á và Thái Bình Dương, ủy hội còn có Pháp, Hà Lan, Anh quốc và Hoa Kỳ. UNESCAP là một trong những tổ chức nghiên cứu, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường có uy tín trong khu vực. Trọng tâm chiến lược của Ủy ban là thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Trong những năm qua, UNESCAP đã hợp tác với nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng các báo cáo về tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. UNESCAP đã hợp tác với Việt Nam trong xây dựng hệ thống dữ liệu và thống kê về việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia, tiểu khu vực và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. UNESCAP mong muốn, thời gian tới sẽ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội đàm trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã thông tin tới Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Theo đó, để thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch hành động quốc gia 2030 đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua Kế hoạch hành động, 17 mục tiêu tổng quát và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 đã được quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam. 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể toàn cầu phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam.

Ngày 4 tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 681/QĐ-TTg ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Lộ trình là căn cứ để các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; là một cơ sở quan trọng cho việc giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các mốc thời gian 2020, 2025, 2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia 2030, tính đến tháng 10/2020, đã có 17/22 bộ và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Về cơ bản, Kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương đã bám sát nội dung và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Bên cạnh đó, báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho thấy, dự báo đến 2030 Việt Nam sẽ đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững nhưng có tới 10 mục tiêu phát triển bền vững sẽ gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành. Có 2 mục tiêu khó đạt vào năm 2030, đó là mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương. Trong số 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, có 54 mục tiêu cụ thể sẽ hoàn thành (chiếm gần 47 %), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7 %) sẽ gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3 %) khó đạt vào năm 2030.

Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 51 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, đạt 72,85 điểm, cao hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Khẳng định vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thảo luận, thông qua các đạo luật, các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững; thẩm tra và phê chuẩn các công ước , điều ước quốc tế về quyền con người.

Về đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chuẩn bị cùng Liên minh Nghị viện thế giới thông qua Tuyên bố Hà Nội từ năm 2015 về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU 132, tạo bước chuyển lớn trong nhận thức của IPU, thúc đẩy IPU cùng Liên Hợp Quốc xây dựng “Bộ Công cụ tự đánh giá: Nghị viện và các Mục tiêu phát triển bền vững” nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên của IPU vào quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cũng cho biết, Quốc hội Việt Nam là nước thành viên đầu tiên trong IPU dịch sang tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá này của Liên hiệp quốc. Tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã cùng IPU tổ chức Hội nghị chuyên đề khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất về phát triển bền vững, nghiên cứu việc hoạch định chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tháng 12/2018, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị về "Quốc hội Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững”. Ngày 17/6/2019, Ủy ban Đối ngoại tổ chức buổi họp về "Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” để nghe báo cáo của đại diện một số cơ quan về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam cũng cử nhiều đoàn đại biểu tham dự các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế liên quan về các mục tiêu phát triển bền vững, các phiên điểu trần của IPU - Liên Hợp Quốc.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại đối với việc thúc đẩy thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Việt Nam cần sự hợp tác lâu dài, tư vấn chuyên môn và hỗ trợ của UNESCAP. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề xuất một số nội dung sau:

Một là, thúc đẩy dự án/kế hoạch hợp tác giữa UNESCAP với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cơ quan đầu mối của Quốc hội về các mục tiêu phát triển bền vững nhằm mục đích tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trước mắt trong kế hoạch hợp tác, cần thực hiện những nội dung chính sau: Các hoạt động trao đổi, hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong vấn đề lập pháp; giám sát việc thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững; Hỗ trợ kĩ thuật nhằm tăng cường thông tin về kinh nghiệm và thực tiễn tốt của nghị viện các nước trong việc thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững; Hỗ trợ tư vấn chính sách, kĩ thuật, chuyên gia thông qua các dự án hợp tác để tham mưu Quốc hội về những vấn đề triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hiệu quả; Hỗ trợ trong việc kết nối, tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển bền vững.

Hai là, phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội xây dựng các Bộ Công cụ hưởng dẫn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để nâng cao hoạt động giám sát thực thi các các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách, đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạt động của Quốc hội về các vấn đề phát triển bền vững.

Ba là, hy vọng các chương trình hợp tác trong tương lai giữa UNESCAP và Ủy ban Đối ngoại chú trọng tăng cường năng lực cán bộ, công chức của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong tham mưu về vấn đề giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hồ Hương