CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA MỚI

16/08/2021

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, cần tiếp tục cải tiến, đổi mới một cách toàn diện...

 

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh LÊ VIỆT TRƯỜNG, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, cần tiếp tục cải tiến, đổi mới một cách toàn diện các mặt hoạt động. Thực tế cho thấy, dư địa đổi mới của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện các chức năng của mình đang còn nhiều.

Nêu cao trách nhiệm các chủ thể tham gia làm luật

- Tại Phiên khai mạc Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội mới vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, đặt ra nhiều vấn đề trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ông nhìn nhận như thế nào về những nội dung này, cụ thể là với công tác lập pháp?

- Để tiếp tục cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp, tôi cho rằng, ngay từ quá trình xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm cần tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Hiện nay, khi đưa đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật, "anh" nào cũng đưa ra nhiều lý do cho thấy sự cần thiết thực hiện, nhưng sau đó lại xin rút ra với những lý do hợp lý. Theo tôi, cần siết chặt hơn kỷ luật lập pháp, ít nhất cần phê bình trước Quốc hội với cơ quan chậm hoặc xin rút, xin lùi các dự án luật, từ đó mỗi đơn vị, cá nhân được giao phụ trách nêu cao trách nhiệm, hạn chế tối đa tình trạng đề xuất xây dựng một đạo luật khi chưa cân nhắc kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động cẩn trọng.

Trong giai đoạn soạn thảo luật cần có giải pháp để nêu cao trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành của bộ được giao chủ trì soạn thảo. Bởi, về nguyên tắc, khi đề xuất xây dựng mới hoặc bổ sung một đạo luật thì ít nhất cũng phải nhìn nhận rõ tư tưởng của chính sách đó. Bộ trưởng, trưởng ngành cần theo sát từng khâu trong quy trình soạn thảo, xem xét thông qua mỗi dự án luật do bộ, ngành đề xuất, tránh tình trạng mỗi giai đoạn giao cho một thứ trưởng theo dõi dễ dẫn đến không nắm rõ quá trình chỉnh sửa chính sách, hoặc lại "xin phép về báo cáo lại" Bộ trưởng, trưởng ngành khi làm việc với các cơ quan của Quốc hội. Chính phủ cần có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng soạn thảo các dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội.

Tôi cho rằng, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chính là "dư địa" đổi mới của Quốc hội Khóa XV. Khi quy trình, thủ tục xây dựng một đạo luật được giữ ổn định và ghi rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì chúng ta hoàn toàn có thể xác định rõ, trách nhiệm ở đâu khi tình trạng sát nút mới trình dự án luật sang Quốc hội, đẩy cơ quan của Quốc hội vào tình trạng "bắc nước chờ gạo người" và lặp đi lặp lại từ năm này đến năm khác.

- Cùng với lập pháp, trong phát biểu của Tổng Bí thư cũng đề cập đến yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát. Rõ ràng đây cũng là hoạt động còn dư địa để đổi mới, thưa ông?

- Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới và đẩy mạnh thực hiện. Tôi tâm đắc với nhận định được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu nhậm chức: Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Và, một "dư địa" đổi mới với hoạt động này, theo tôi, nằm ở việc tiếp tục cải tiến, đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Cùng với căn cứ vào tổng hợp đề nghị chất vấn của các đại biểu Quốc hội, cần cân nhắc từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc đang nổi lên để lựa chọn bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp. Có thể vấn đề được một vài đại biểu đề nghị chất vấn, nhưng phản ánh từ dư luận xã hội, hay các phương tiện truyền thông cho thấy, đây là vấn đề đang gây bức xúc, thì cần xem xét yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách lĩnh vực đó trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. 

Những đổi mới nêu trên, theo tôi, không cần sửa đổi luật mà hoàn toàn nằm ở quy trình, thủ tục tổ chức, tiến hành kỳ họp của Quốc hội, cũng như quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.


Công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động của Quốc hội - Ảnh: Q. Khánh

Các cơ quan của Quốc hội còn nhiều dư địa đổi mới

- Thưa ông, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nên áp dụng những công cụ tương tác mới của Quốc hội điện tử như một cách thức tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động không, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay?

- Như nhận định của nhiều chuyên gia, những thách thức và đòi hỏi với các công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của nhiệm kỳ này là rất lớn. Điều này đòi hỏi ngay từ mỗi "công xưởng" của Quốc hội - Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Muốn vậy, theo tôi, cần có cơ chế để huy động tối đa trí tuệ từ đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học cũng như ý kiến của đa dạng các nhóm dân cư trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao phụ trách.

Hiện nay, cũng có ý kiến băn khoăn về chế độ khi sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những cá nhân tâm huyết với công tác xây dựng pháp luật chắc chắn đều sẵn sàng tham gia các phiên giải trình, tham vấn kỹ thuật do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tổ chức. Việc áp dụng công cụ tương tác mới của Quốc hội điện tử có thể giúp các cơ quan của Quốc hội tổ chức các hoạt động với đối tượng chuyên gia, đối tượng chịu sự điều chỉnh từ chính sách có thể rộng hơn hiện nay. Thay vì phải mời chuyên gia có mặt ở phòng họp của các Ủy ban, thì thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, có thể mời chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài dự họp và góp ý trực tiếp vào những nội dung đưa ra thảo luận, thẩm tra tại các phiên họp của Ủy ban.

Tôi tin tưởng, với sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ có những giải pháp sáng tạo hơn trong việc huy động trí tuệ của chuyên gia và các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Còn các cơ quan của Quốc hội có thể có thêm "chất xám", tri thức từ lực lượng lớn các chuyên gia trong và ngoài nước, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

- Một trong những mong mỏi được Người đứng đầu Đảng ta nhắn gửi với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đó là những chuyển biến, tiến bộ trong hoạt động của Quốc hội xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan, đồng thời thể hiện Quốc hội luôn có ý thức "tự đổi mới" để ngày càng hoàn thiện mình. Một trong những ví dụ sinh động, đó là trong nhiệm kỳ này, một Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng đang được xây dựng. Theo ông, dư địa đổi mới của Quốc hội Khóa XV là gì?

 - Có thể thấy, việc kế thừa và tiếp tục "dòng chảy" đổi mới của Quốc hội chính là nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Nhất là khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước). Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội cũng nhằm đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân về sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri đã bỏ phiếu bầu ra các đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong nhiệm kỳ Khóa XV này.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng nói, Quốc hội nâng cao chất lượng công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia hay tăng cường giám sát không phải để thể hiện "quyền anh", "quyền tôi". Làm cho Quốc hội mạnh lên cũng có nghĩa làm cho Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân mạnh lên.

Đại hội XIII của Đảng đã thông qua những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đối với nước ta trong từng mốc thời gian phát triển cụ thể. Trên cơ sở nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì các cơ quan này, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong Hiến pháp và pháp luật phải không ngừng đổi mới, cùng tiến lên để góp phần thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)