Đại diện các trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại diễn đàn
Diễn đàn là sự kiện hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018, là một cam kết bằng hành động của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đoàn, Hội đồng nhân dân và tổ chức phi Chính phủ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho trẻ em gái tham gia vào quá trình xây dựng thực thi chính sách, pháp luật đảm bảo các nhóm quyền cơ bản của trẻ em.
Tham dự diễn đàn có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội; đại diện Chính phủ; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục- Đào tạo; đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ và đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.
Với chủ đề “Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”, Diễn dàn trẻ em gái 2018 quy tụ 100 trẻ em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc đến Hà Nội, trong đó có các trẻ em gái là người dân tộc thiểu số. Sự kiện là cơ hội để các trẻ em gái cùng tham gia đối thoại, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với các đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ và đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham gia đối thoại với các trẻ em gái tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các trẻ em gái và các đại biểu trao đổi về hai chủ đề “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy”, chia sẻ về thực trạng vấn đề tại cộng đồng, thách thức mà các em đang đối mặt trên con đường học tập và phát triển của các em.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, do nhiều nguyên nhân tình hình xâm hại trẻ em đang có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gái. Đáng chú ý là tình trạng bố đẻ xâm hại con gái nhiều lần; bố dượng xâm hại con gái riêng của vợ; anh trai xâm hại em gái hay tình thầy giáo xâm hại học sinh… đang có chiều hướng gia tăng, phản ánh những hiện tượng tâm lý xã hội không bình thường; phương thức, thủ đoạn xâm hại ngày càng đa dạng và nghiêm trọng hơn…
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của mẹ và con.
Các trẻ em gái tại diễn đàn
Từ thực tế này, các em gái tham dự diễn đàn đã đề xuất các khuyến nghị về việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em gái. Các em mong muốn: Nhà nước có nhiều biện pháp thắt chặt an ninh hơn nữa ở các khu vui chơi công cộng; lắp đủ đèn đường, nhất là những khu có bụi rậm, mương, kênh; tổ chức nhiều chương trình rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em gái. Bên cạnh đó, có chính sách tuyên truyền về tác hại và hậu quả của nạn tảo hôn đến các gia đình, nhất là những gia đình ở vùng dân tộc thiểu số.
Lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của các trẻ em gái, các đại biểu, đại diện các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tham dự sự kiện đã cùng trao đổi và khẳng định sẽ có những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em gái là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội. Việc nâng cao nhận thức của trẻ em gái về quyền của mình là rất cần thiết. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình mong muốn, các trẻ em gái sau khi tham dự diễn đàn sẽ về chia sẻ, lan tỏa những thông tin, kiến thức có được từ diễn đ cho những bạn khác, góp phần thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, sau diễn đàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ chủ trì làm việc với các đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham dự diễn đàn để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của trẻ em gái nói riêng và quyền của trẻ em nói chung theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị.