CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

26/09/2018

Chiều ngày 25/9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan và tổ chức hội thảo tọa đàm chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; trình xin ý kiến đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (tháng 9/2018). Tại các phiên họp lần thứ 26 và 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để hoàn thiện dự án Luật.

Theo dự thảo Báo cáo, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển. Tuy nhiên, trước sự đổi mới trong tư duy, quan điểm, nhận thức về phát triển giáo dục, đào tạo và cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Luật GDĐH đã bộc lộ một số điểm hạn chế, đặc biệt là vướng mắc trong thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH. Việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật là cần thiết để giải quyết những bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, phát triển giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Trong quá trình chuẩn bị dự án Luật, Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá toàn diện các nội dung và lựa chọn sửa đổi những vấn đề  thực sự bất cập, bổ sung một số quy định từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào chính sách mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học; đổi mới về quản trị đại học, quản lý nhà nước phù hợp với việc đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển các trường đại học tư thục. Cùng với những nội dung sửa đổi, bổ sung, các chính sách giữ lại của Luật hiện hành về cơ bản vẫn còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Do vậy, để bảo đảm tính ổn định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ khái niệm, tên gọi các cơ sở giáo dục đại học, bổ sung việc giải thích một số thuật ngữ; phân biệt rõ loại hình cơ sở giáo dục đại học theo sở hữu và theo chức năng, trên cơ sở đó quy định chính sách phù hợp với từng loại hình trường. Dự thảo Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (bao gồm đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác); các cơ sở GDĐH khác phù hợp với quy định của pháp luật. Dự thảo Luật quy định các trường đại học có thể tự lớn mạnh và thành lập các trường trực thuộc bên trong (với điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được nhà nước quy định, các trường đại học có cùng chức năng, sứ mệnh kết hợp, sáp nhập với nhau để trở thành một Đại học. Đại học có các trường đại học thành viên, trường, viện và các đơn vị trực thuộc khác nhằm gia tăng giá trị của toàn hệ thống. Dự thảo Luật cũng quy định các nguyên tắc, cơ chế về hoạt động của trường đại học và đại học.

Để đảm bảo xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục trong tương lai phù hợp với thực tiễn và hội nhập, dự thảo Luật bổ sung quy định: các cơ sở giáo dục đại học khác phù hợp với quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra, dự thảo Luật còn được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH theo hướng quy định rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý các quy định về trách nhiệm giải trình theo hướng quy định rõ khái niệm; quy định cụ thể các nội dung nhà trường phải công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ, cụ thể hơn việc phân biệt hai loại hình cơ sở giáo dục đại học là công lập và tư thục; thống nhất về tên gọi Hội đồng trường ở trường công lập và tư thục; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Hội đồng trường, của Hiệu trưởng và tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng; xác định rõ Hội đồng trường là tổ chức quản trị còn Hiệu trưởng thực thi quyền quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và các nghị quyết của Hội đồng trường, chịu sự giám sát của cơ quan này; phân biệt Hội đồng trường với Hội đồng đại học thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu thành viên phù hợp với tính chất của từng loại hình, mô hình cơ sở giáo dục đại học.

Nhằm tách bạch việc quản lý, sử dụng vốn với hoạt động giáo dục, Dự thảo Luật yêu cầu nhà đầu tư, sau khi luật này có hiệu lực, phải thành lập tổ chức kinh tế trước khi thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục. Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục đã thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, nhà đầu tư có quyền thành lập hoặc không thành lập tổ chức kinh tế. Trường hợp không thành lập tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật này và của quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; những vấn đề phát sinh không được quy định trong Luật này và trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường thì thực hiện theo các quy định tương ứng tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

Các thành viên Ủy ban phát biểu

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban cơ bản ủng hộ các vấn đề được thể hiện trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Có ý kiến băn khoăn về nội dung tự chủ đại học, trong đó đề cập đến trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, mức trần học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường; việc mở ngành đào tạo và trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ; việc không quy định chi tiết tiêu chuẩn về độ tuổi, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đề cập đến 10 vấn đề, từ sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; những vấn đề cụ thể, đến những nội dung về kỹ thuật văn bản. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, mặc dù chưa thể kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ mang tính toàn diện, giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, tuy nhiên đây chính là nền tảng để giáo dục đại học nước ta từng bước phát triển. Với những ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp thu đầy đủ, tích cực rà soát để hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới./.

Thu Phương