UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

16/08/2022

Sáng ngày 16/8, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thị Mai Hoa làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát về việc thực hiện chính sách, giáo dục về giáo dục đại học tại Đại học Đà Nẵng.

Nhiều vướng mắc trong tự chủ đại học tại Đà Nẵng

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đại học Đà Nẵng là một đại học Vùng với 6 đại học thành viên, có 2.565 cán bộ nhân viên, người lao động; quy mô đào tạo hơn 59.000 sinh viên, quy mô tuyển sinh hằng năm trung bình 15.500 sinh viên các hệ đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Hiện đại học Đà Nẵng có 01 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 02 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 03 đơn vị tự chủ tài chính mức 3 (tự đảm bảo một phần chi thường xuyên).

Đại học Đà Nẵng cũng là một trong 3 Trường Đại học tại Việt Nam có số lượng Chương trình đào tạo đạt kiểm định khu vực và quốc tế cao nhất với 28/34 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng. Tuy nhiên qua khảo sát, đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận thực tế rằng việc triển khai kiểm định chất lượng đào tạo cũng còn nhiều bất cập.

Thực tế cũng cho thấy, để nâng cao chất lượng giáo dục thì kiểm định chương trình đào tạo là bắt buộc. Nhưng trên toàn quốc chỉ có 6-7 trung tâm kiểm định phục vụ cho hơn 200 trường đại học, với hàng nghìn chương trình đào tạo. Khối lượng kiểm định lớn nên cho đến tận bây giờ, nhiều trường vẫn chưa kiểm định lần 1. Bên cạnh đó, việc hiểu chưa đúng về tự chủ khiến một số trường công lập ở vùng đặc thù, một số ngành đặc thù như kinh tế nông thôn, kinh tế biển, văn hoá… không nhận được kinh phí hỗ trợ của nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Tự chủ nhưng chỗ nào khá lên được thì chúng ta cắt kinh phí đi dẫn đến hậu quả những ngành đó sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt vấn đề này này chỉ tập trung ở các trường công lập, còn các trường tư thục không bao giờ mở những ngành đặc thù như vậy. Chỉ có những ngành nào thu hút thì các trường tư thục mới đào tạo. Nếu nhà nước không tập trung đầu tư những ngành như vậy thì sẽ dẫn đến nguồn lực thực hiện phục vụ phát triển xã hội sẽ bị mất trong từ 5-10 năm nữa. Sẽ hụt rất nghiêm trọng.”

Tại buổi làm việc, Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục ủng hộ Đề án phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99 và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của mô hình đại học 2 cấp như mô hình đại học vùng của Đại học Đà Nẵng. Đồng thời quan tâm hỗ trợ tài chính cho các trường để nâng cao chất lượng dạy và học./.

Mỹ Phượng