CẦN CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 TỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở TẤT CẢ CÁC CẤP HỌC

25/02/2022

Chiều ngày 25/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình thứ 2 về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh COVID-19”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo Phiên giải trình.


Tham dự Phiên giải trình còn có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Thường trực Ủy ban; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị đại biểu Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.... Phiên giải trình được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu.

Phát biểu tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, làm việc với các Bộ, ngành, tọa đàm tham vấn chuyên gia, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng Báo cáo kết quả khảo sát, đặt ra nhiều vấn đề mà học sinh, phụ huynh, Quốc hội và cử tri quan tâm, cũng là các vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo.


Toàn cảnh Phiên giải trình về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”.

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập: trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi. Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nêu cao tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" “tất cả vì tương lai con em chúng ta”...

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục. Trong khuôn khổ thời gian 1 buổi chiều nay, Phiên giải trình sẽ tập trung vào 2 nhóm vấn đề bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19. Trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu đặt vấn đề, trao đổi tập trung vào đúng chủ đề của Phiên giải trình. Cụ thể là cần làm rõ các nội dung như sau:

Thứ nhất: Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành đối với vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19; việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng theo  tinh thần Nghị quyết số 43 của Quốc hội khoá 15.

Thứ hai: Đối với viêc thực hiện chủ trương mở cửa trường học, đề nghị làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra; các giải pháp để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học, nhất là đối với những trẻ em, học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc-xin.

Thứ ba: Nhìn nhận, đánh giá kết quả của việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học, nhất là phương thức dạy học trực tuyến; từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trả lời trọng tâm, cụ thể, sát thực vào các câu hỏi của các đại biểu, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời đưa ra được các giải pháp, đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19. Thời gian kết thúc năm học 2021-2022 chỉ còn 3 tháng nữa, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm như: việc thi, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm học sinh. Vấn đề chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa; tiến độ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy học; vấn đề an toàn cho học sinh trên môi trường mạng. Cùng với các nội dung tại Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thiện Kết luận Phiên giải trình, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đề cập tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt. Nhiều địa phương đã tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình; nhiều học sinh chưa được đến trường, chưa được gặp mặt, làm quen, trao đổi trực tiếp với thầy, cô, bạn học. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của Ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi của toàn ngành, sự động viên và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh đã góp phần cho ngành giáo dục hoàn thành được nhiệm vụ năm học đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và phương án dạy học trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo, an toàn. Đa số giáo viên đồng thuận, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu; bước đầu biết sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học khi được tập huấn. Phần lớn cha mẹ học sinh đồng tình với chủ trương của Ngành trong dạy học trực tuyến; tạo các điều kiện học tập cho con em mình như: máy tính, laptop, điện thoại thông minh, kết nối mạng.

Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện Chương trình GDPT, tập trung dạy học những nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với các lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; thực hiện rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, việc dạy và học tập trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Đó là việc triển khai học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học trực tuyến khác nhau giữa các địa phương, các gia đình học sinh, việc thiếu thiết bị gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học. Hiện tại, toàn xã hội cũng đã vào cuộc và khắc phục các điểm khó khăn về hệ thống đường truyền, trang thiết bị vật chất phục vụ cho học tập.

Nền nếp học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng, chưa chủ động tự giác học tập. Chất lượng học tập theo hình thức học trực tuyến bị hạn chế, không đảm bảo tính bình đẳng do điều kiện về cơ sở vật chất của địa phương.  Cha mẹ học sinh còn lo lắng về sự an toàn của trẻ, về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Lương và chế độ chính sách của giáo viên hợp đồng bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt thu nhập của giáo viên dạy hợp đồng theo buổi, theo tiết trong các cơ sở giáo dục công lập bị ảnh hưởng rất lớn; không được hưởng lương khi các trường tạm nghỉ học (hiện nay giáo viên hợp đồng lao động ở cấp học mầm non, phổ thông công lập là 38.516 giáo viên); một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập khi phải nghỉ dạy, không có lương (theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hiện nay có 126.853 CBQL và giáo viên ngoài công lập các cấp học mầm non, phổ thông) có tâm lý rất lo lắng.

Kinh tế xã hội bị tác động, nhiều cơ sở giáo dục không thu đủ được học phí của người học, các nguồn thu từ dịch vụ hỗ trợ giảm. Trong khi đó nhiều khoản chi của cơ sở không thay đổi. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch COVID-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng SGK và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.

Đề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước tình hình tiêm phủ vắc-xin đạt tỉ lệ cao ở học sinh từ 12 tuổi trở lên; tỉ lệ hoàn thành tiêm mũi 2 trở lên trong cộng đồng cao. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công điện gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới, trong đó: Đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo; Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào đạo chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022; Phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, bổ sung hướng dẫn/quy định/sổ tay công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục; kiện toàn hệ thống y tế trường học đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và hoàn thành mục tiêu tim phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5-12 tuổi trong trường học.

Về việc tổ chức triển khai dạy học trực tiếp trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Đô cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0; Tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không gây áp lực, quá tải đối với học sinh; Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Triển khi nhiều giải pháp đồng bộ để học sinh, giáo viên đến trường an toàn

Tại Phiên giải trình, đa số các đại biểu mong muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế làm rõ hơn về việc tiêm vắc-xin cho học sinh, đặc biệt cho trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi; triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh; chất lượng dạy học khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp...


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội nêu.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra và học sinh phải học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã nhận được những phản ánh, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Theo đó, việc giảng dạy trực tuyến gặp một số vướng mắc, khó khăn như dạy và học bán trú khi học sinh đến trường; phát sinh ca F0, khoanh vùng và thời gian cách ly, chăm sóc, sàng lọc F0. Nỗi lo của phụ huynh đối với lứa tuổi từ 5 đến 12 tuổi khi chưa tiêm vắc-xin.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, việc cho học sinh quay trở lại trường là xu hướng tất yếu. Cho đến nay, việc đưa cho học sinh học trực tiếp tăng. Việc đi học khi học sinh bị F0 cũng tác động đến việc giảng dạy, học tập. Một số lớp học có 1 học sinh cũng giảng dạy nhưng đã tạo tâm thế cho học sinh, giáo viên có tinh thần hướng về việc học trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi dịch bệnh phát sinh, các địa phương cần có sự ứng phó bao quát, đánh giá cụ thể. Khó có thể có phương án nào toàn diện mà chỉ chọn được phương án khả quan hơn cả tùy thuộc vào từng địa phương để có phương án giảng dạy, học tập phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh. Các địa phương cũng đưa ra các giải pháp tùy theo tình hình dịch bệnh. Việc tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên về việc đảm bảo chất lượng giáo dục khi học sinh đến trường đã được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thống kê việc thừa thiếu giáo viên ở các địa phương để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.  

Thủ tục mua vắc-xin tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã hoàn tất

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em và lứa tuổi học sinh để có đủ sức khỏe khi quay trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Đối với công tác tiêm chủng cho trẻ em từ 18 tuổi trở lên, việc tiêm chủng vắc-xin mũi 1 cho đến nay đạt trên 99%, mũi 2 là khoảng 98%, mũi 3 là khoảng 32%. Đối với học sinh từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 1 khoảng 99%; mũi 2 là khoảng 94%.

Đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vắc-xin của Pfizer để tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Thủ tục mua vắc-xin cơ bản đã thực hiện xong và Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4/2022 để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc đảm bảo an toàn khi tiêm vắc-xin cho trẻ em.

Cũng tại Phiên giải trình, ông Nguyễn Đắc Hưng, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hiện có nhiều mục tiêu đề ra để đảm bảo chất lượng giáo dục. Qua các ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn khi đưa học sinh trở lại trường học. Ngoài ra, cần đánh giá tác động về tâm lý, chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai trước tác động của dịch bệnh COVID-19. Ngành Giáo dục cần có nhìn nhận những vấn đề tác động đến nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 29 như: vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Trên cở đó, Ban Tuyên giáo có báo cáo với Ban Bí thư, Bộ Chính trị để có giải pháp hữu hiệu hơn.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu Kết luận Phiên giải trình.

Phát biểu Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao những câu hỏi, ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng như phần trả lời của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cũng như đại diện các đơn vị hữu quan đối với Phiên giải trình.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban đã tổ chức khảo sát thực tiễn, làm việc với các Bộ ngành, tọa đàm với các chuyên gia để xin ý kiến về những nội dung trọng tâm; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan và của đại biểu Quốc hội để chuẩn bị nội dung, chương trình của Phiên giải trình.

Trên cơ sở các nội dung phiên giải trình chiều nay, thay mặt Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai Chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV. Đặc biệt, sớm quan tâm triển khai bổ sung các gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập để tạo điều kiện khôi phục hoạt động dạy học trong tình hình mới. Tập trung triển khai nhanh gói tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương và tác động nặng nề đến giáo dục, đào tạo. Xem xét, có cơ chế miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời điểm dịch bệnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, phương tiện, điều kiện học tập của học sinh để bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; từng bước chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện kế hoạch, phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục. 

Thứ hai, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể dạy và học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học; Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.  

Thứ ba, đề nghị ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, cũng cố kiến thức cho học sinh khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian học trực tuyến; chú trọng công tác tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập, trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài học trực tuyến; có kế hoạch học cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.

Đối với những địa bàn phải tiếp tục học trực tuyến, cần quan tâm đẩy nhanh việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện để tổ chức học trực truyến; xây dựng các nền tảng dạy học trực tuyến dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng và phù hợp với đặc thù của từng cấp học; bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, giáo viên trên không gian mạng. Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện khác nhau của từng cấp học, từng đia phương.

Thứ tư, hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành. Áp dụng linh hoạt hơn những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá, thực  hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo.

Thứ năm, Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro về sức khoẻ đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vắc-xin. Việc mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm và triển khai từng bước thận trọng, khoa học để phụ huynh và xã hội yên tâm, ủng hộ.

Sau Phiên giải trình này, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ hoàn thiện Kết luận Phiên giải trình, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, làm cơ sở để tiếp tục giám sát việc thực hiện hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và vấn đề giải quyết bài toán biên chế nhà giáo cũng như việc triển khai chính sách nhà giáo./.

** Một số hình ảnh tại Phiên giải trình:


Toàn cảnh Phiên giải trình về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại Phiên giải trình.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu.


Các đại biểu tham dự Phiên giải trình.


Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga-Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về các giải pháp đảm bảo an toàn khi học sinh, giáo viên quay trở lại trường học.


Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.


Các đại biểu đặt câu hỏi qua hình thức trực tuyến.


Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh giải trình rõ hơn về việc dạy và học trong bối cảnh COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu kết luận tại Phiên giải trình./.

Bích Lan-Nghĩa Đức