ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VỀ THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC LĨNH VỰC ỦY BAN PHỤ TRÁCH

28/09/2021

Sáng 28/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch đầu tư công năm 2021, xây dựng kế hoạch năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các lĩnh vực Uỷ ban phụ trách. Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-9 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách về tài chính và đầu tư phát triển làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trong đó có các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Về tình hình thực hiện dự toán NSNN, việc phân bổ vốn bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, thời gian giao vốn kế hoạch cơ bản đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (trước 30.12.2020). Tuy nhiên, dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề năm 2021 chỉ chiếm 15,6% tổng chi NSNN, trong khi theo quy định là không dưới 20%. Bên cạnh đó, Bộ chưa tổng hợp được số liệu tách riêng nguồn NSNN dành cho đối tượng thanh niên và trẻ em, số liệu gắn với việc sử dụng ngân sách theo các lĩnh vực. Việc báo cáo ghép số liệu tổng hợp 2 lĩnh vực thuộc hai bộ quản lý khác nhau (như văn hóa - thông tin thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý) gây khó khăn cho công tác nghiên cứu, phân tích và đánh giá…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Do Luật Ngân sách Nhà nước không quy định dự toán chi NSNN theo lĩnh vực, việc phân bổ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, nên đến thời điểm hiện tại chưa có số liệu dự toán NSNN (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) chi tiết theo lĩnh vực giai đoạn 3 năm 2022 - 2024. Báo cáo của Bộ Tài chính mới đưa ra dự kiến bố trí NSNN năm 2022 cho một số nội dung các lĩnh vực văn hóa - thông tin; thể dục - thể thao - du lịch; phát thanh, truyền hình, thông tấn (cũng chỉ nêu nhiệm vụ chi, chưa có dự toán chi cụ thể).

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, mặc dù kế hoạch đầu tư công năm 2021 là một phần của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mới được thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực tham mưu Chính phủ xây dựng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.

Qua phân tích số liệu cho thấy, mặc dù tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 cho các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách còn khiêm tốn (bằng 5,07% cả nước), tỷ trọng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình thuộc lĩnh vực còn thấp nhưng đã tăng 24% so với kế hoạch năm 2020 và chiếm 17,5% Kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn 2021-2025. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quan tâm đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục - đào tạo; thông tin - truyền thông...

Đại dịch Covid 19 ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách, do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KHĐT báo cáo thêm những giải pháp, chính sách đã và sẽ tham mưu nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các ngành, lĩnh vực Ủy ban phụ trách./.

Phan Hằng

Các bài viết khác