Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước, được tổ chức thành 24 quận, huyện, có số dân vào khoảng 13 triệu người trong đó tổng số trẻ em (tính đến tháng 6/2019) là trên 2 triệu em. Hằng năm, Thành phố có thêm nhiều người dân từ các tỉnh thành khác nhập cư sinh sống, nên chính sự đa dạng, khác biệt bản sắc văn hóa vùng miền cũng là một trở ngại lớn đối với các vấn đề xã hội của thành phố, đặc biệt là trong quan niệm hay công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, gây ảnh hưởng nhất định đến nhận thức thực hiện Luật Trẻ em.
Qua báo cáo, Đoàn giám sát đánh giá cao những công tác liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2015 đến nay của Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo cơ bản đã phản ánh được những đặc thù của Thành phố. Nếu so với tình hình chung của cả nước thì Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là đơn vị có những cách làm sáng tạo, phù hợp trong quá trình phòng chống xâm hại trẻ em hiện nay. Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn, Đoàn giám sát nhận thấy nhiều vấn đề hạn chế còn tồn tại, bắt buộc Thành phố Hồ Chí Minh cần có những biện pháp thay đổi phù hợp hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Gíao dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho biết: “Về hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em trên địa bàn thành phố, chúng tôi cảm nhận qua các báo cáo là chưa đủ, chưa thống nhất nên đề nghị rà soát lại. Ví dụ như tổng số trẻ em bị xâm hại, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố và của CCông an thành phố là 499 em trong đó 31 trẻ em trai, 461 trẻ em gái. Nhưng trong báo cáo của Viện Kiểm sát thành phố là 634 trong đó 34 trẻ em trai, 600 trẻ em gái. Còn Sở Y tế thì lại đưa ra một con số rất lớn đó là 710 trẻ em bị xâm hại đi khám tại các bệnh viện ... còn có một con số nữa là nghi ngờ bị bạo lực là 110 em, nếu cộng vào nữa thì con số rất là lớn. Không biết là vấn đề các cơ quan ngồi lại để so sánh, thống nhất những con số này là có chưa?”
Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc Hội – cũng đặt vấn đề: "Đặc thù đặc trưng của thành phố đó là riêng số trẻ em chúng ta đã có trên 2 triệu. Trong đó, hơn 11 nghìn trẻ em hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, rồi có nhiều trẻ em đến từ rất nhiều vùng miền, tỉnh thành. Từ những đặc thù này thì đề nghị trong phần giải pháp của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan nói chung phải gắn chặt giải pháp với đặc thù thành phố. Có như thế thì mới phát huy hiệu quả để phòng ngừa xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố chúng ta."
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều thiếu sót khác trong báo cáo như: Thành phố chưa nêu cụ thể về cách thức tuyên truyền, phổ biến luật đến xã hội cũng như giáo dục kiến thức đến thiếu nhi trong báo cáo; Nhận định về tình hình thực tế giữa báo cáo chung và báo cáo của từng sở ngành vẫn chưa có sự thống nhất ... Đặc biệt hoạt động giáo dục trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em vẫn là vấn đề được đoàn giám sát quan tâm chú trọng. Đoàn đã yêu cầu Sở Giáo dục thành phố cần báo cáo cụ thể hơn về tình trạng bạo lực học đường, rà soát lại số trẻ em không được đi học, số trẻ em bị xâm hại đang ở độ tuổi đi học và quan điểm trong việc hỗ trợ cho các trường hợp khi không may gặp phải xâm hại.
Trước những chất vấn của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã tiếp thu ý kiến, đồng thời cũng có những giải trình về tình hình thực tế trong thời gian qua. “Đối với Thành phố vấn đề quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phải nói Thành phố đặc biệt quan tâm, rất quan tâm. Báo cáo các đồng chí, dịp Tết vào là Ban Thường vụ Thành ủy phải gặp gỡ thiếu nhi trước, do Thành Đoàn và Sở Giáo dục tổ chức. Những vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, khi xảy ra là tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử lý rất là nhanh. Đương nhiên vấn đề này phải phòng ngừa là chính” - Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết thêm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình phát biểu kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chia sẻ với những khó khăn; đồng thời cũng hoan nghênh nỗ lực, cố gắng từ phía Uỷ ban nhân dân thành phố và các cơ quan ban ngành liên quan trong việc phòng chống xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban đánh giá cao hiệu quả trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong thời gian qua và cho rằng, với mật độ dân cư và số dân di cư ngày càng đông sẽ là áp lực lớn với Thành phố trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nêu rõ, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân trong việc bảo vệ con em mình. Chủ nhiệm Ủy ban khẳng định, đây là vấn đề mà các ngành, các cấp của Thành phố cần ưu tiên tập trung tìm giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới.
“Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn và mạnh của cả nước, nên Đoàn muốn đến đây để học được nhiều công việc mà các đồng chí đã làm rất hiệu quả. Và để thấy rằng đây là địa bàn có nhiều điều kiện nhất và cũng như phức tạp nhất đang triển khai vấn đề đó như thế nào, để chúng ta có thể nhìn nhận lại hệ thống pháp luật. chính sách của chúng ta trong vấn đề này mà điều chỉnh. Tuy nhiên hình như chúng ta vẫn chưa nói lên hết được những điều chúng ta đã làm được trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong vấn đề xâm hại trẻ em..." - Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình chia sẻ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh đến 3 vấn đề cấp bách mà thành phố cần sâu sát hơn để có hiệu quả, bao gồm: Công tác quản lý chính quyền địa phương, công tác chuyên môn và nguồn nhân lực, tài lực. Đồng thời yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Sở ban ngành sẽ hoàn thiện báo cáo, gửi về cho Đoàn trước ngày 15/9 tới, để đoàn có sự điều chỉnh phù hợp và trình Quốc Hội trong thời gian tới.