GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TẠI Q.TÂN BÌNH - TP.HỒ CHÍ MINH

29/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát việc "Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em", sáng ngày 29/8, Đoàn giám sát số 3 do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND quận Tân Bình cho biết, trên địa bàn quận hiện có 38 em bị xâm hại với 19 trường hợp bị xâm hại tình dục, 6 trường hợp bạo lực, 3 trường hợp bị bỏ rơi và các trường hợp khác như bắt cóc, ép buộc trẻ tảo hôn… Về công tác xét xử các vụ án hình sự về xâm hại trẻ em, tổng số vụ án đã thụ lý là 35 vụ với 37 bị cáo. Trong đó đã xét xử 27 vụ với 29 bị cáo; trả điều tra bổ sung 8 vụ với 8 bị cáo.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đánh giá Quận Tân Bình là một quận có nhiều đặc thù dễ dẫn đến vấn đề xâm hại trẻ em nhất trên địa bàn thành phố như: là Quận có số lượng dân nhập cư từ các nơi khác đến rất đông, trẻ em bị xâm hại thường xảy ra ở các khu vực có nhiều dân nhập cư, phòng trọ. Mặt khác, trẻ em trong những gia đình này có nguy cơ cao trở thành trẻ em lang thang, trẻ em không có điều kiện đến trường hay lao động sớm, dễ bị kẻ xấu lợi dụng xâm hại… Vì vậy, sau khi nghe báo cáo từ UBND Quận về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2019 trên địa bàn, Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều điểm còn thiếu sót, cần phải bổ sung.

Cụ thể, các báo cáo số liệu về "Trẻ em bị xâm hại trên địa bàn" từ phía Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Công an Quận và Phòng Giáo dục - đào tạo Quận không thống nhất, không thể hiện được sự chính xác cũng như quan tâm đúng mực từ các cấp chính quyền; Nhiều hình thức xâm hại trẻ em khác trên địa bàn quận vẫn chưa được đề cập trong báo cáo như: số trẻ em bị bắt bỏ học, trẻ em có cha mẹ ly hôn bị bắt lao động sớm, số trẻ em ăn xin hoặc bị chăn dắt ăn xin ...; Công tác thanh tra kiểm tra việc phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn quận cũng chưa được nêu ra cụ thể trong giai đoạn 5 năm qua. Đoàn giám sát cũng yêu cầu bổ sung 2 vấn đề quan trọng khác nhưng chưa có trong báo cáo: Việc kiểm tra giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo xâm hại trẻ em, công tác xử lý sau vi phạm, hình thức hỗ trợ - can thiệp đối với những trường hợp trẻ em khi đã phát hiện bị xâm hại ...

  

Thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề về côngg tác phòng, chống xâm hại trẻ em với lãnh đạo Quận

Về công tác hỗ trợ, can thiệp với trẻ em bị xâm hại, khi tiếp nhận thông tin cán bộ làm công tác trẻ em cấp phường có trách nhiệm ghi chép kịp thời, đầy đủ thông tin vụ việc; báo cáo với Chủ tịch UBND phường và phối hợp với các cá nhân, tổ chức, hàng xóm, bạn bè kiểm tra xác nhận thông tin. Đánh giá đối với trẻ, qua đó, xác định nhu cầu của trẻ và gia đình cần hỗ trợ; xác định các biện pháp can thiệp, trợ giúp và nguồn lực cần hỗ trợ. Đồng thời, cán bộ làm công tác trẻ em phối hợp với cán bộ các ngành công an, tư pháp, y tế, giáo dục và các tổ chức đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. 

Dự báo trong thời gian tới, số lượng thông tin tố cáo, tố giác về vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trong đó có xâm hại tình dục sẽ không giảm và thực tế đang tăng lên. Quận Tân Bình xác định các cơ quan, tổ chức tại địa phương sẽ tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng…

Quận Tân Bình kiến nghị, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là nâng cao các chế tài xử lý đối với những hành vi xâm hại tình dục đủ sức răn đe và thể hiện được tính nghiêm minh, trừng trị nghiêm khắc và thích đáng của pháp luật. Bởi, hậu quả của các tội phạm xâm hại tình dục đem đến cho các nạn nhân là rất nặng nề, nhất là về tâm lý và tinh thần của trẻ em.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng rất quan tâm đến hoạt động của ngành giáo dục Quận trong việc phối hợp thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em tại địa phương, vì giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc đào tạo, chăm sóc trẻ em ngay từ sớm, nhưng vẫn chưa được Phòng Giáo dục Quận báo cáo cụ thể.     

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu: “Vấn đề thứ nhất là bạo lực học đường, thì cũng mừng là trong báo cáo của QuậnTân Bình không thấy nổi lên vấn đề bạo lực trường học. Vấn đề thứ hai là vấn đề xâm hại trực tiếp đến các em, trong đó nổi lên là vấn đề về tình dục. Và thật sự những sự xâm hại này chúng ta thấy là vài chục em một năm không nhiều, nhưng đó là từng số phận con người và đôi khi đeo đuổi các em cả cuộc đời – vậy nên cũng cần lưu tâm đến. Và vấn đề thứ ba là tình trạng bóc lột trẻ em ... Các đồng chí phải phân tích ra được, chúng ta đã tuyên truyền hết sức chưa? Làm hết năng lực chưa? Chúng ta có nghiêm khắc trong xử lý hay không với những vấn đề này chưa?”        

Sau khi nhận được 9 ý kiến đánh giá báo cáo từ Đoàn giám sát, lãnh đạo UBND Quận Tân Bình và đại diện các cơ quan liên quan của Quận đã lần lượt có phần giải trình về những vấn đề còn thiếu sót, chưa nêu lên được trong báo cáo, cũng như tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đoàn giám sát, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội trong thời gian tới.   

+ Cùng ngày, Đoàn giám sát đã đến khảo sát và làm việc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp; Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Vũ Thạch