ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC

29/08/2019

Ngày 28/8. Đoàn giám sát của Quốc hội dodo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội tại địa phương.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát cho rằng nhằm hạn chế ở mức thấp nhất các trường hợp xâm hại trẻ em có thể xảy ra, các cơ quan ban ngành của tỉnh Bình Phước cần có những biện pháp tuyên truyền về hình phạt đối với các hành vi xâm hại trẻ em nhằm răn đe.

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – nêu ý kiến: "Tôi nói ở đây là tuyên truyền các hình phạt đối với các đối tượng thực hiện các hành vi xâm hại đó đối với các cháu như thế nào. Một là chúng ta phải có hình phạt xác đáng, ngoài hình phạt thì chúng ta phải đăng cho công luận để tuyên truyền và những đối tượng có chủ đích thực hiện những hành vi như vậy cũng phải sợ. Và tôi cho rằng, không có một công tác tuyên truyền nào mạnh bằng chúng ta tuyên truyền những hậu quả mà anh phải nhận, nếu anh thực hiện hành vi đó".

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của thế hệ trẻ đối với sự phát triển tương lai của đất nước, Tỉnh Bình Phước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Bình Phước

Về các hoạt động tuyên truyền này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho rằng phải có nguồn nhân lực và công tác xã hội hóa nhằm thu hút nguồn kinh phí để duy trì hoạt động này. "Tỉnh đã tổ chức hội nghị nhân dân bàn về công tác gia đình, thế nhưng trong điều kiện nhân lực của chúng ta, nguồn kinh phí rất hạn hẹp thì đồng chí trưởng ban rất quan tâm về công tác xã hội hóa để ta thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động này để nó chia sẻ trách nhiệm này mới có thể đảm bảo được. Hay nhất là ta tổ chức được rộng rãi thường xuyên hội nghị nhân dân bàn về gia đình, trong đó có lồng ghép vào nội dung bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trong trình trạng tình hình xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra" - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, để thực hiện được công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thì tất cả các cơ quan ban ngành của tỉnh Bình Phước cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ với nhau, chuyển nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng chống xâm hại trẻ thành hành động, có như vậy thì trẻ em mới được chăm sóc và bảo vệ tốt. "Điều đầu tiên hết là quan điểm, chủ trương của Đảng, sau đó đến Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về lo cho các cháu như thế nào và cuối cùng là Ủy ban nhân dân. Thật sự ra, những vấn đề này chúng ta thấy hơi xa với trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng nếu không lo cái này thì về sau sẽ khó khăn" - Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình ghi nhận tất cả kiến nghị của Tỉnh và các ban ngành có liên quan để trình Quốc hội trong thời gian tới./.

Vũ Thạch