Đoàn Giám sát làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang
Báo cáo với Đoàn, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang biết, dân số trung bình hiện nay của địa phương khoảng 1,8 triệu người; trẻ em dưới 16 tuổi là 461.729 trẻ, chiếm gần 26% dân số. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội được quan tâm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện hơn, tác động tích cực đến công tác trẻ em. Thanh niên (từ đủ 16 đến 30 tuổi) là 302.691 người, có mặt trên địa bàn khoảng hơn 272.000 người; đa số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có lối sống lành mạnh, ý thức vươn lên làm giàu chính đáng, mong muốn đóng góp sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận thanh niên dễ bị kích động, vướng vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; tác phong công nghiệp, ý thức hợp tác cộng đồng còn hạn chế, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm còn khá cao. Thời gian qua hệ thống trường, lớp học, trang thiết bị được đầu tư; phương pháp dạy học, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới; triển khai nhân rộng mô hình trường học mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhưng chưa bảo đảm đầy đủ.
Toàn tỉnh có 10 tôn giáo, đang hoạt động, sinh hoạt trong 21 tổ chức giáo hội được Nhà nước công nhận, gồm Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Baha’I, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh Sư đạo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tin lành, Cao Đài (có 6 chi phái và 1 pháp môn) và 1 tổ chức Phật giáo Hiếu Nghỉa Tà Lơn được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Có 1 tổ chức tôn giáo (giáo hội cấp toàn đạo), 450 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 399 cơ sở thờ tự. Về tín ngưỡng, qua khảo sát toàn tỉnh có 458 cơ sở tín ngưỡng, phần lớn các cơ sở tín ngưỡng có thời gian hình thành từ lâu, có cơ sở được hình thành hàng trăm năm nay như: Lăng Mạc Cửu, Đình Nam Thái, Dinh Cậu, Lăng Ông Nam Hải,…
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị, trong lĩnh vực giáo dục, cần xem xét cơ chế đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo theo nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện tinh giản biên chế là cần thiết, song cắt giảm theo định mức 10% cho mỗi giai đoạn là không phù hợp thực tế hiện nay; Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có chế độ, chính sách bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức của các Ban Quản lý di tích và tổ chức, cá nhân Ban Bảo vệ di tích; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn. Xem xét, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho địa phương, để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở vùng có đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...; Về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ nghiên cứu các văn bản xử lý hành chính ở các lĩnh vực, để hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xử lý khi xảy ra vi phạm; Về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, kiến nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đề nghị bổ sung định mức chi hỗ trợ một lần trực tiếp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực tại Thông tư 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu kết luận buổi làm việc
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Kiên Giang đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực mà Đoàn đang triển khai giám sát.
Một số mặt còn hạn chế, Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh Kiên Giang tìm phương hướng giải quyết, trong đó các vấn đề cần quan tâm là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội. Đặc biệt, cần quan tâm và có chính sách đặc thù cho nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số, hải đảo trên địa bàn tỉnh và có giải pháp phù hợp đối với việc tuyển dụng, tinh giản biên chế đội ngũ giáo viên phù hợp với yêu cầu và đặc thù của giáo dục.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình đề nghị tỉnh Kiên Giang tính toán phân bổ ngân sách phù hợp cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai tốt Luật Trẻ em năm 2016 và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác chỉ đạo và sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em cũng cần quan tâm chú ý. Trong đó, nghiên cứu đầu tư các khu vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để trẻ em có chỗ vui chơi giải trí lành mạnh, tránh các tệ nạn xã hội là một trong những biện pháp nêu ra để UBND tỉnh Kiên Giang xem xét và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện của nội tỉnh
Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình cho biết sẽ ghi nhận những đề xuất kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về các lĩnh vực nói trên để báo cáo với Quốc hội./.