Quang cảnh buổi làm việc
Sau chiến tranh, hầu hết các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế gần như bị hủy hoại hoàn toàn hoặc hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đến nay di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh diện mạo với tư cách là một cố đô của Việt Nam. Đối với công tác phát huy giá trị di sản, nhiều di tích đã mở cửa bán vé cho du khách tham quan, tạo nguồn thu tái đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Năm 2017, ước tính có hơn 3,5 triệu lượt khách đến với di sản Huế, doanh thu bán vé đạt trên 320 tỷ đồng.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kiến nghị với Quốc hội sớm xây dựng cơ chế đặc thù cho đơn vị thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trùng tu và phát huy giá trị di sản. Quốc hội cần sớm nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi những bất cập giữa Luật Đất đai, Luật Di sản nhằm tạo tính đồng bộ, nhất quán. Đối với các dự án tu bổ phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia cần giảm bớt các thủ tục lấy ý kiến phối hợp của các tổ chức liên quan do quá trình thẩm định dự án đã tiến hành công đoạn này.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình biểu dương những nỗ lực của Trung tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian qua. Chủ nhiệm cũng lưu ý, Cố đô Huế là vùng đất mà nét đặc trưng về cảnh quan, văn hóa là không nơi nào có được, nhưng hiện nay, du lịch di sản vẫn đang phát triển với mức khiêm tốn. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đơn vị cần chủ động đổi mới phương thức hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách... Đoàn ghi nhận và sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ./.