UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ

23/02/2018

Sáng 23/02, tại Hà Nội, để chuẩn bị cho việc thẩm tra chính thức dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế về vấn đề đào tạo nhân lực y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có: Các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Bộ Y tế, đại diện các Bệnh viện và các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nếu rõ, nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng chuyên môn, y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Do vậy cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay nhân lực Y khoa (bác sỹ) tại Việt Nam chủ yếu có thời gian học tập tại trường và thực hành tại bệnh viện với thời gian đào tạo là 06 năm, ra trường khi tuyển dụng xếp lương bậc 06 như các ngành khác đào tạo 04 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu nhận định, sau 06 năm đào tạo các bác sỹ tốt nghiệp vẫn chưa đủ khả năng hành nghề và cần có thời gian thực hành thực tế thêm về thực hành khám chữa bệnh. Bởi các cơ sở thực hành (các bệnh viện) và trường đại học thường tách biệt nhau, gây ra nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường trình bày Báo cáo

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, hiện nay Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn chưa có đủ các quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với việc mở ngành, mở trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên khoa sau đại học do cách tiếp cận chưa đúng bản chất và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, về thực tiễn tài chính trong đào tạo y khoa hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng chỉ rõ hầu hết các bệnh viện công khi cho sinh viên vào thực tập đều lấy phí rất thấp hoặc không lấy phí, trong khi đó nếu tính các chi phí đúng, đủ thì kinh phí bệnh viện phải chi ra là rất lớn (vật tư, điện nước, vật tư tiêu hao…). Điều này sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện và các trường theo hướng tự chủ trong thời gian sắp tới. Do vậy cần có quy định về học phí đặc thù riêng đối với đào tạo nhân lực y tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận về những bất cập trong đào tạo nhân lực y tế và góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang phát biểu

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng đã giới thiệu một số mô hình giáo dục Y khoa trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp, Thái Lan…/.

Thu Phương