Toàn cảnh hội nghị
Tham gia hội nghị còn có: các đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, các trường đại học, các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc xây dựng một chương trình quốc gia về Phát triển toàn diện trẻ em là hết sức quan trọng, và điều quan trọng không kém là đảm bảo chương trình này đi vào cuộc sống. Việc thực hiện hiệu quả chương trình phát triển toàn diện trẻ em cần sự quan tâm và vào cuộc của các đại biểu dân cử trong việc tăng cường công tác giám sát nhằm bảo đảm chương trình được phân bổ đầy đủ ngân sách, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, và được nhân rộng trên toàn quốc.
Quyền Phó Trưởng đại diện UNICEF Yoshimi Nishino phát biểu
Theo tham luận gửi đến hội nghị của Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt NamYoussouf Abdel Jelil,, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách Phát triển toàn diện trẻ em, kết nối các ban ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách. Nếu không có cam kết mạnh mẽ của các bên có liên quan trong việc ưu tiên đầu tư và thực hiện phát triển trẻ em toàn diện thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho hậu quả của nó cả trước mắt và lâu dài, từ sức khỏe, thể chất không bảo đảm ảnh hưởng đến tầm vóc, chất lượng giống nòi; chất lượng học tập không tốt tới thu nhập thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội… Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của quốc gia.
Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam Nguyễn Võ Kỳ Anh phát biểu
Hội nghị tập trung đề cập tới hướng tiếp cận phát triển và chăm sóc toàn diện cho trẻ em từ 0-8 tuổi, giúp trẻ và gia đình tiếp cận được với các dịch vụ một cách toàn diện. Các đại biểu cho rằng, việc tích hợp các dịch vụ là nhằm tối đa hóa các can thiệp đối với trẻ trong giai đoạn đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Phát triển toàn diện trẻ em là trách nhiệm chung của cha mẹ, người chăm sóc, gia đình và các nhà cung cấp dịch vụ từ nhiều lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em và nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Friday Achilefu Nwaigwe phát biểu
Nghiên cứu quốc tế cho thấy khả năng nhận thức của trẻ được tác động bởi môi trường và dinh dưỡng của người mẹ ngay từ khi còn trong bào thai. Những trẻ em được nuôi dưỡng tốt, được tương tác sớm và sống trong môi trường an toàn và thuận lợi trong những năm đầu đời sẽ có nhiều khả năng phát triển được tiềm năng tối ưu của mình.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển nhận thức và cảm xúc của mọi trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 8 tuổi.
Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế Trần Đăng Khoa cho biết, gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khoảng 72% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 9,4% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính quy. Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu
Cho rằng đầu tư vào phát triển trẻ em những năm đầu đời là hết sức quan trọng và đang ngày càng được nhà nước quan tâm, Phó Cục trưởng Cụ trẻ em, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội Vũ Thị Kim Hoa cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, việc thông qua Luật Trẻ em năm 2016 - là cơ sở pháp lý quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bao gồm cả trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm y tế quy định khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới sáu tuổi; Luật Giáo dục xác định giáo dục mầm non là một phần trong hệ thống giáo dục quốc dân; Bộ luật Lao động quy định nghỉ thai sản 6 tháng cho người mẹ và cải cách an sinh xã hội, hướng tới xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện và đáp ứng nhu cầu của mọi người dân… Trên cơ sở các văn bản pháp luật này, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Đề án Quốc gia về Phát triển toàn diện trẻ em trong giai đoạn 2018-2025. Đề án này do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì trên cơ sở phối hợp với các bộ ngành và các cơ quan liên quan.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị
Cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, các nội dung được thảo luận tại hội nghị hôm nay sẽ được tổng hợp và gửi tới các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường sự vào cuộc của các cơ quan trong lĩnh vực phát triển toàn diện trẻ em./.