Phiên giải trình Về việc hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp

24/04/2015

Sáng 24/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi phát biểu khai mạc phiên giải trình

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi khẳng định, đào tạo và giải quyết việc làm là 2 khâu quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nền kinh tế trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Giúp người học tìm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp không chỉ là mục tiêu của đào tạo mà còn là thước đo quan trọng về chất lượng đào tạo. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh, mục đích của phiên giải trình hôm nay nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này.  

Các đại biểu dự phiên giải trình đã tập trung thảo luận về: tiến độ ban hành và chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học. Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học kể từ khi Luật có hiệu lực. Hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật của các cơ quan Nhà nước. Quy mô cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua. Việc gắn kết đào tạo, việc làm và thực hiện quy hoạch Chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc phối hợp trao đổi thông tin giáo dục, việc làm giữa cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng chất lượng nguồn nhân lực gắn với yêu cầu xã hội; hành lang pháp lý về việc làm và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. 

Chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật do đâu?

Theo kết quả khảo sát về tiến độ, chất lượng ban hành, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành theo thẩm quyền số lượng lớn văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho giáo dục đại học. Nội dung nhiều văn bản hướng dẫn đã cụ thể hoá được tinh thần đổi mới của Luật. Công tác tuyên truyền phổ biến Luật được tăng cường, góp phần thay đổi trong cả tư duy, nhận thức cũng như trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ ban hành ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm; nội dung hướng dẫn của một số văn bản còn chưa đảm bảo chi tiết, khả quan. Việc tuân thủ các quy định của Luật còn chưa nghiêm túc trong khi việc kiểm tra, giám sát thi hành của các cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, không đảm bảo tính kịp thời của văn bản pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên là do đây là Luật chuyên ngành sâu với nhiều vấn đề mới hay do năng lực của đội ngũ cán bộ Ban soạn thảo? Các đại biểu yêu cầu Chính phủ giải trình về nguyên nhân dẫn đến những bất cập này; giải pháp và thời gian khắc phục vướng mắc trên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận phát biểu giải trình tại Phiên họp

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: ngay sau khi Luật giáo dục đại học được Quốc hội khóa XIII thông qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền được giao. Theo chương trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục đại học có tổng số 15 văn bản. Trong đó, đã ban hành được 10 văn bản gồm: 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không soạn thảo 2 văn bản gồm: 1 Nghị định và 1 Thông tư, chưa ban hành 3 văn bản gồm: 2 Nghị định và 1 Thông tư.

Giải trình về việc chậm ban hành 3 văn bản: Nghị định của Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học (hướng dẫn khoản 6 Điều 66); Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (hướng dẫn khoản 5 Điều 9); Thông tư ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học (hướng dẫn khoản 3 Điều 52), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm ban hành là do một số văn bản Luật có nhiều nội dung mới, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành; Ban soạn thảo chưa bắt nhịp kịp, chưa có kinh nghiệm thực tiễn về những vấn đề này. Do đó, cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát, trao đổi với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, một số văn bản trong quá trình soạn thảo phải chờ các văn bản khác ban hành, mới có căn cứ để soạn thảo. Hơn nữa, ngoài việc soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhiều văn bản khác cũng phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế để đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật giáo dục đại học… Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ xem xét quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong tháng 5/2015 có thể ban hành. Theo chương trình, văn bản quy định về phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học sẽ trình trong tháng 6/2015.

 Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cần sự phối hợp liên ngành

Giáo dục đại học nước ta trong những năm gần đây đã gia tăng nhanh chóng về quy mô đào tạo, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tham gia vào thị trường lao động. Mặc dù vậy, tỷ trọng lao động đã qua đào tạo của nước ta còn thấp. Chất lượng đào tạo tuy được cải thiện song số lương sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm có xu hướng gia tăng. Việc nghiên cứu thông tin thị trường lao động và sự phối hợp, kết nối, trao đổi thông tin dự báo về nhu cầu lao động và việc làm giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, và đơn vị sử dụng lao động còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu thừa cục bộ trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu băn khoăn, để giải quyết thực trạng này cần chính sách nào cho phù hợp? Qua tiếp xúc cử tri và quá trình khảo sát, nhiều đại biểu bày tỏ, hiện nay, nhiều ngành học không thu hút được học viên theo; số lượng sinh viên ra trường  không có việc hoặc không có việc làm phù hợp với chuyên môn ngày càng tăng… Điều này thể hiện sự lãng phí nguồn nhân lực của xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên giải trình

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi nhận định: tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, nhất là những việc làm phù hợp với chuyên môn dù có trình độ đào tạo tương đối cao, nguyên nhân chủ yếu: liên quan đến quy mô, cơ cấu, trình độ về ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng, chưa có cơ cấu hợp lý giữa các ngành nghề, công tác dự báo dài hạn, phối hợp trao đổi thông tin giữa các bộ ngành, cơ sở đào tạo, sử dụng lao động còn yếu…

Về thực trạng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm gần đây, quy mô đào tạo trình độ đại học, cao đẳng gần như ổn định và giảm nhẹ. Thống kê cho thấy giai đoạn 2011-2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường đại học, cao đẳng đã giảm bình quân 2,5%/năm, hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm. Số lao động trình độ đại học, cao đẳng có việc làm tăng lên qua các năm. Tỷ lệ lao động có việc làm năm 2014 tăng 38% so với năm 2010. Tuy nhiên, số lao động trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng 103%. 

Về nguyên nhân trong ngành giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động đầu tư, nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo theo những ngành mà xã hội cần; cùng với đó, trong thời gian dài mô hình phát triển giáo dục đại học mới chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ…

Trình bày các giải pháp để giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp thiếu việc làm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: nếu chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - TB và XH sẽ không thể giải quyết được. Do đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất việc quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương để làm cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học gắn với mạng luới giáo dục nghề nghiệp, với nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương và quốc gia. Xây dựng hệ thống và tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động theo địa phương, vùng, ngành và kết nối thành thông tin thị trường lao động quốc gia…

Kết thúc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đánh giá phiên giải trình đã diễn ra khẩn trương, tích cực, với tinh thần dân chủ nghiêm túc; lãnh đạo các bộ, ngành đã giải trình thẳng thắn với tinh thần cầu thị, góp phần làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội và nội dung giải trình, Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ của Quốc đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học theo thẩm quyền; khẩn trương ban hành nghị định mới của chính phủ về thu học phí trong các cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2015-2016 và giai đoạn tiếp theo… Chính phủ chỉ đạo phê duyệt việc xây dựng đề án tổng thể việc giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong nước và ngoài nước; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua các chính sách cho vay vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, có cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên ưu đãi khuyến khích và thức đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp;

Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đề nghị các bộ, ngành phối hợp để xây dựng quy hoạch ngành nghề đào tạo một cách hợp lý; tăng cường công tác giám sát, điều tiết kế hoạch đào tạo trên cơ sở thông tin về cung - cầu của thị trường lao động. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh thực các chính sách, giải pháp giải quyết tốt vấn đề hỗ trợ việc làm; Bộ Tài chính cần đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo gắn với kết quả đầu ra; Bộ Giáo dục-Đào tạo cần thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh từ các cấp phổ thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, việc làm, nhu cầu nhân lực của các ngành nghề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Bộ Nội vụ cần hoàn thiện các cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đánh giá chất lượng lao động….

Nguyễn Phương