CẦN THIẾT NÂNG PHÁP LỆNH CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG THÀNH LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

06/09/2021

Việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật Cảnh sát cơ động cho thấy tính đồng bộ trong xây dựng hệ thống pháp luật ngày một củng cố và hoàn thiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Liên quan đến nội dung này, Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã bày tỏ về sự cần thiết việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động.

 

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Phóng viên: Thưa Phó Chủ nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động như một “tấm áo đã chật” và cần phải xây dựng lên thành Luật Cảnh sát cơ động. Phó Chủ nhiệm có thể cho biết quan điểm về việc cần thiết xây dựng luật này?

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã ban hành từ năm 2013 và trong quá trình áp dụng trong thực tế hơn 7 năm qua, do sự phát triển của rất nhiều mối quan hệ xã hội cũng như tình hình về an ninh, trật tự trong thời buổi hiện nay, nó có nhiều quy định đã hạn chế, bất cập, làm hạn chế năng lực thực thi pháp luật của lực lượng Cảnh sát cơ động. Chính vì thế, xét về góc độ thực tiễn, cần thiết là phải nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát cơ động.

Bên cạnh đó, Công an nhân dân (trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động) là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và sự bình yên của nhân dân, cho nên khi thực thi nhiệm vụ không thể tránh được việc có thể đụng chạm tới các quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Nếu được quy định đầy đủ những quy phạm pháp luật ở tầm văn bản luật thì sẽ giúp cho lực lượng Cảnh sát Cơ động có thể sử dụng các quy định của luật đó để thực thi pháp luật đúng luật nhất, vừa đảm bảo được vấn đề bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân nhưng vẫn có thể bị trấn áp được những hành vi vi phạm pháp luật mà không vi phạm đến các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.

Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có thể phân tích rõ hơn những chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động hiện nay đang có những bất cập gì so với việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này?

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Trong thực tế hiện nay, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động hết sức nặng nề bởi những yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm không, đấu tranh với các vấn đề về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, hỗ trợ cho các lực lượng chức năng khác của lực lượng Công an cũng như các lực lượng vũ trang khác. Trong khi đó, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định về chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động với tư cách là một lực lượng nòng cốt trong Công an nhân dân thực hiện biện pháp vũ trang trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Còn có rất nhiều những quy định nó làm hạn chế năng lực thực thi pháp luật của lực lượng này. Chính vì vậy, với yêu cầu nhiệm vụ đang đòi hỏi, đặt ra như vậy thì việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành luật Cảnh sát cơ động để làm sao đủ hành lang pháp lý cho lực lượng Cảnh sát cơ động có thể thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Đấy là vấn đề thực tiễn.

Còn vấn đề lý luận, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, một trong những chủ trương là xây dựng chiến lược Cảnh sát cơ động để trong thời gian tới đây là một trong những lực lượng vũ trang phải tiến lên chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đối với một bộ phận phải được trang bị đầy đủ cả về năng lực pháp luật cũng như năng lực nghiệp vụ cũng như phương tiện chiến đấu để cho lực lượng này có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa cùng với các lực lượng vũ trang khác.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung một số chức năng, quyền hạn đối với lực lượng này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan điểm của Phó Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Lực lượng Cảnh sát cơ động lâu nay là lực lượng phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác trong việc đấu tranh các chuyên án hoặc là thực hiện một số nhiệm vụ khác về bảo đảm an ninh, trật tự. Sau khi ban hành luật thì sẽ trang bị cho lực lượng này thêm một số quy định về quyền năng, tức là quyền hạn, nhiệm vụ trên cơ sở các quy định chung của hệ thống pháp luật, trong đó là chung với quy định của Luật Công an nhân dân và các quy định pháp luật khác. Quá trình phối hợp đó sẽ có những quy phạm pháp luật điều chỉnh để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt hơn trong quá trình phối hợp thực hiện; giao cho Cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong vấn đề an ninh, trật tự. Việc bổ sung quyền hạn như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện pháp luật trong nhiều trường hợp, nhiều tình huống. Bởi vì có nhiều tình huống phát sinh xảy ra cần phải được sử dụng để giải quyết.

Ví dụ, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã cho phép Cảnh sát cơ động được xử phạt vi phạm hành chính, thế nhưng trong Pháp lệnh hiện nay lại chưa quy định điều đó. Cho nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập tại những vùng, những địa bàn đang nóng về an ninh, trật tự thì Cảnh sát cơ động có thể áp dụng biện pháp pháp luật để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đấy là một trường hợp điển hình.

Phóng viên: Theo Phó Chủ nhiệm, Luật Cảnh sát cơ động sẽ đáp ứng những yêu cầu gì trong việc xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến dần lên hiện đại?

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Nếu muốn xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại thì phải dựa trên nền tảng quy định của pháp luật. Vậy nên khi đã có luật rồi thì sẽ xây dựng lực lượng này như tôi đã nói, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an là đưa lực lượng này dần từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phòng chống tội phạm cũng như bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Có thể đưa những lực lượng như Cảnh sát đặc nhiệm lên thêm một tầng nấc nữa, đó là họ phải đáp ứng sẵn sàng một cách tinh nhuệ nhất để có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!

Khắc Phục