XỨNG ĐÁNG LÀ “NGƯỜI GÁC CỔNG” CHO QUỐC HỘI VỀ PHÁP LUẬT THUỘC LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH

22/01/2020

Được thành lập tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa IX, vào năm 1992, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành về mọi mặt; khẳng định vị thế của mình trong hoạt động của Quốc hội; đúng như những đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Quốc phòng và An ninh xứng đáng “là người gác cổng cho Quốc hội” về pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Phiên họp thứ 15 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh 

Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992, ngày 25 tháng 9 năm 1992, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với 21 đại biểu Quốc hội là thành viên. Đây là sự kiện quan trọng đối với đất nước nói chung, Quốc hội nói riêng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tính tất yếu khách quan cũng như nhu cầu nội tại của quá trình xây dựng và phát triển của Quốc hội.

Tờ Trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa VIII ngày 21/3/1992 đã khẳng định: “Công tác Quốc phòng, An ninh là một hoạt động quan trọng của Nhà nước, cho nên Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cần phải quan tâm thích đáng đến vấn đề này. Tất nhiên những vấn đè thuộc trách nhiệm của cơ quan Quân sự, cơ quan An ninh không đưa ra bàn trước Quốc hội, song những vấn đề quan trọng như quyết định các luật và chính sách Quốc phòng, An ninh như: phê chuẩn dự toán Ngân sách Quốc phòng, An ninh và giám sát việc thực hiện thì phải là thẩm quyền của Quốc hội và phải được Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy Quốc hội cần có một cơ quan chức năng giúp Quốc hội trong lĩnh vực này”.

Trải qua 6 nhiệm kỳ, Quốc hội khóa IX, X, XI, XII, XIII và XIV, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giáo phó. Quốc phòng-An ninh là lĩnh vực hết sức hệ trọng có tính chất đặc thù, nhạy cảm, luôn đòi hỏi phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và có nhiều thông tin cần bảo mật. Đa số thành viên Ủy ban các khóa đều là sĩ quan cao cấp của quân đội, công an đã được tôi luyện trong môi trường chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, khả năng tham gia xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách vĩ mô đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tại mỗi khóa Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã để lại những dấu ấn quan trọng, đóng góp to lớn đối với hoạt động của Ủy ban và lĩnh vực Quốc phòng, An ninh nói chung:

Quốc hội khóa IX (1992-1997): Ông Đặng Quân Thuỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội khóa X (1997-2002) và Quốc hội khóa XI (2002-2007): Ông Nguyễn Phúc Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội khóa XII (2007-2011): Ông Lê Quang Bình giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Quốc hội khóa XIII (2011-2016): Ông Nguyễn Kim Thoa giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Quốc hội khóa XIV (2016-2021): Ông Võ Trọng Việt giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thượng tướng Võ Trọng Việt tham dự Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia

Từ khi được thành lập đến nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào thành tựu chung của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới. Từ lúc ban đầu thành lập chỉ có Chủ nhiệm Ủy ban hoạt động chuyên trách, đến nay Thường trực Ủy ban có 8 thành viên chuyên trách; từ chỗ Thường trực Ủy ban mới là sự hợp thành giữa Chủ nhiệm và một số thành viên Ủy ban do Ủy ban cử ra, đến nay Thường trực Ủy ban đã có địa vị pháp lý rõ ràng, được thành lập trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Điều 66 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Ủy ban Quốc phòng và An ninh là 1 trong 9 Ủy ban của Quốc hội, cùng với Hội đồng Dân tộc, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV là: Thượng tướng Võ Trọng Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Hiện Ủy ban có 03 Phó Chủ nhiệm gồm:

- Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

- Trung tướng Trần Ngọc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

- Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Ủy ban có 04 Ủy viên thường trực gồm:

- Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

- Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế

- Thiếu tướng Đỗ Quang Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Ngoài ra Ủy ban hiện có 34 Ủy viên là các tướng lĩnh, sỹ quan, đại biểu Quốc hội thuộc nhiều Đoàn ĐBQH trên cả nước.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh có 5 nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV, 5 chức năng của Ủy ban đã được quán triệt trong Thường trực Ủy ban và Vụ Quốc phòng-An ninh và bố trí, phân công một cách linh hoạt: “Người thì ít, việc thì nhiều mà có tính chất biến động nên lãnh đạo Ủy ban đã phân công rất cụ thể. Có thể mỗi người kiêm nhiệm một vài việc cứ không nhất nhất phải chuyên sâu. Trên tinh thần ấy, anh em có sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm cho nên các công việc được thực hiện đúng theo kế hoạch và chất lượng tốt”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành lập 3 Tiểu ban gồm:

-Tiểu ban Quốc phòng;

-Tiểu ban An ninh;

-Tiểu ban Trật tự, an toàn xã hội và Đối ngoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, theo kế hoạch chung, Ủy ban phân chia ra các Tiểu ban. Ví dụ như thực hiện các luật thì các Tiểu ban thực hiện theo chức năng nhiêm vụ của mình, luật về Quốc phòng thì Tiểu ban về Quốc phòng tham gia, luật về an ninh trật tự thì các Tiểu ban về An ninh trật tự tham gia. “Thực hiện như vậy các Tiểu ban có điều kiện chuyên sâu, tiếp cận được các thông tin của các thành viên Ủy ban mang tính chất rộng hơn, chất lượng của luật sẽ được nâng lên, góp phần tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có cơ hội phân tích, đánh giá sâu hơn các luật mà Ủy ban trình”, Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Một buổi họp của Vụ Quốc phòng và An ninh - Vụ tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Mỗi Tiểu ban có từ 3 thành viên trở lên, do 1 Phó Chủ nhiệm làm Trưởng Tiểu ban. Để nghiên cứu, tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Ủy ban QP&AN của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã có Quyết định 401 ngày 27/3/2014 quy định chức năng của Vụ Quốc phòng và An ninh. Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mặt chuyên môn của Thường trực Ủy ban; trực tiếp nghiên cứu, tham mưu, chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức phục vụ các hoạt động của Ủy ban và Thường trực Ủy ban QP&AN theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các văn bản, đề nghị, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các thành viên Ủy ban gửi đến Ủy ban để nghiên cứu tổng hợp, báo cáo với Thường trực Ủy ban chỉ đạo, định hướng xử lý.

Để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Vụ Quốc phòng và An ninh chia ra thành 4 nhóm chuyên môn.

1. Nhóm Tổng hợp

2. Nhóm Quốc phòng

3. Nhóm An ninh

4. Nhóm Trật tự, an toàn xã hội và Đối ngoại

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phụ trách Tiểu ban Quốc phòng, đối với nhiệm vụ của Tiểu ban Quốc phòng, Tiểu ban sẽ căn cứ vào nhiệm vụ và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và nhiệm vụ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, chịu trách nhiệm trước Ủy ban về những nội dung liên quan đến công tác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nêu rõ: “Trong kế hoạch, chúng tôi cũng phân công cụ thể cho các đồng chí Ủy viên thường trực chịu trách nhiệm các nội dung và chỉ đạo nhóm Quốc phòng giúp việc cho Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ”.

Còn theo Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phụ trách Tiểu ban An ninh, hoạt động của Tiểu ban An ninh cũng căn cứ vào tình hình, hoạt động của Quốc hội trong năm để có sự phân công công tác. Đặc biệt, Tiểu ban luôn chuẩn bị tinh thần cho các việc đột xuất được giao. “Trên cơ sở công việc có thể là đầu năm, có thể đột xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội yêu cầu, căn cứ vào đấy chúng tôi sẽ có sự phân công, lên kế hoạch đảm bảo được tiến độ, thời gian”, Trung tướng Trần Ngọc Khánh cho biết.

Phóng viên trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Còn đối với Tiểu ban Trật tự, an toàn xã hội và Đối ngoại do Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phụ trách, Tiểu ban thường phân công cho Tổ giúp việc phải xây dựng kế hoạch ngay từ đầu, phải chi tiết từng vấn đề. “ Chúng tôi tổ chức khảo sát, đánh giá, trao đổi, tọa đàm với các chuyên gia, rồi đi thực tế để có những tiếng nói đầy đủ nhất từ cử tri về các góc độ khác nhau, những bất cập trong văn bản pháp luật để về tổng hợp, lên chương trình, họp, tổ chực hội thảo để có các ý kiến chất lượng nhất trong quá trình xây dựng pháp luật, giám sát và đưa ra kết quả giám sát tốt nhất, báo cáo kết quả tốt nhất trình lãnh đạo Quốc hội với các hoạt động đó”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Ủy ban Quốc phòng  và An ninh, Thường trực Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Vụ Quốc phòng và An ninh còn:

 + Tổng hợp ý kiến của nhân dân, của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban khác của Quốc hội góp ý kiến về các dựa án luật do Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra.

+ Chủ trì, phối hợp với đơn vị hữu quan giúp Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội tập hợp, tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, ở đoàn và tại phiên họp toàn thể ở Hội trường về các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, các dự án khác do Ủy ban  Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra hoặc thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết, dự thảo nội dung gợi ý thảo luận ở tổ, hội trường, phiếu xin ý kiến, kết luận của chủ tọa đối với dự án, báo cáo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra.

+ Nghiên cứu, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Nắm vững các chức năng cơ bản là thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo và các dự án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; giám sát việc thi hành pháp luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; kiến nghị các vấn đề thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực triển khai nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định vai trò, vị trí và sự tín nhiệm của Quốc hội.

- Về hoạt động lập pháp, đến nay Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành hàng chục dự án luật, hàng chục dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực Quốc phòng, An ninh. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực Quốc phòng, An ninh như: Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Biên giới quốc gia, Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Phòng cháy chữa cháy… hay rất nhiều các Nghị quyết, Pháp lệnh là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phát huy hiệu lực trong cuộc sống.  Hoạt động thẩm tra của Ủy ban luôn chú trọng nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp về nội dung các dự án với quan điểm, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; không để xảy ra những sơ hở mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để thực hiện “diễn biến hòa bình thông qua hoạt động lập pháp”.

- Về hoạt động giám sát, khảo sát, với hàng trăm cuộc được thực hiện từ trung ương đến cơ sở, từ miền núi đến hải đảo trên mọi miền của cả nước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã trực tiếp nắm bắt tình hình, lắng nghe tiếng nói của cử tri. Những kiến nghị của Ủy ban đã thực sự mang đến Quốc hội thực trạng về kinh tế - xã hội và Quốc phòng- An ninh, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; gắn kết ngày càng tốt hơn giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

- Về hoạt đồng đối ngoại, nhận thức rõ hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ động phối hợp với Ủy ban Đối ngoại xây dựng chương trình, đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động với cơ quan tương ứng của Quốc hội các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN và trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm Quốc phòng, An ninh.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV cho rằng, trong thời gian qua và chắc chắn thời gian tới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn có nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề biển Đông và an ninh biên giới cũng như an ninh trật tự trong nước. Trên tinh thần ấy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ liên quan để nắm chắc, chủ động nắm tình hình để kịp thời báo cáo, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để có định hướng lãnh đạo. “Trên tinh thần ấy, Ủy ban có kế hoạch chi tiết, cụ thể để cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nắm bắt, xử lý tốt tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách đúng đắn, góp phần ổn định chính trị đất nước và đảm bảo an ninh trật tự để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn”, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết thêm.

Là cơ quan tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tập thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp từ các nhiệm kỳ trước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động một cách toàn diện; xứng đáng “là người gác cổng cho Quốc hội” về pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Các Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện hiệu quả, xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân vững chắc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc./.

Khắc Phục