Vậy quá trình tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên đang gặp những khó khăn, bấp cập gì cần được sửa đổi, quy định rõ trong luật, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa Phó Chủ nhiệm, trong năm 2018, Quốc hội đã thông qua 2 luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng là Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trong công tác xây dựng pháp luật, năm 2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ chủ trì, thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Vậy việc sửa đổi Luật Dân quân tự vệ sẽ khắc phục những hạn chế gì nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn?
Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Đối với Luật Dân quân tự vệ hiện nay, có thể nói cũng đã phát huy được việc chúng ta xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Theo quan điểm của Đảng là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ là 1 trong 3 lực lượng vũ trang, đó là quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Với quan điểm như thế thì xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Tuy nhiên, quá trình triển khai luật này cũng bộc lộ 1 số hạn chế.
Thứ nhất, về quan điểm chúng ta xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp nhưng quá trình xây dựng vướng vào việc khi xây dựng lực lượng này thì liên quan đến lực lượng khác. Con người trong độ tuổi tham gia lực lượng dân quân tự vệ cũng là những thanh niên trong độ tuổi bảo đảm có đủ sức khỏe, khả năng mà nhiều lực lượng khác cũng cần lực lượng này, thế nên Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ. Hiện nay theo tiến độ cũng đã được chuẩn bị. Chính phủ sẽ có Tờ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức thẩm tra Tờ trình của Chình phủ về việc sửa đổi Luật Dân quân tự vệ.
Chúng tôi thấy rằng, để sửa đổi được luật này thì chúng ta cũng phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là vấn đề phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, điều kiện của đất nước, của các địa phương trong việc xây dựng lực lượng này, bảo đảm vẫn theo quan điểm vững mạnh, rộng khắp thế nhưng vẫn phải đạt chất lượng, hiệu quả. Cần tránh tình trạng một số địa phương trong quá trình xây dựng lực lượng dân quân thì xây dựng mang tính hình thức, có thể nói có danh sách nhưng không có con người cụ thể.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Thứ 2 là việc bảo đảm huấn luyện cho lực lượng này thì cũng có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt.
Thứ 3 là lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ của mình, có địa phương sử dụng đúng chức trách nhiệm vụ của dân quân, có địa phương sử dụng chưa đúng. Nói tóm lại để khắc phục những vấn đề này chúng ta cần phải sửa đổi một số điều, quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về nguyên tắc, cơ chế, thẩm quyền, về việc bảo đảm như thế nào cho lực lượng này cho phù hợp với điều kiện của đất nước.
Phóng viên: Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, dự án Luật Lực lượng dự bị động viên cũng sẽ được Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra. Theo Thiếu tướng, việc xây dựng luật này cần thiết như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Đối với Luật Lực lượng dự bị động viên, có thể nói đây là 1 dự án Luật được Chính phủ đề nghị nâng lên từ Pháp lệnh lên thành Luật. Qua quá trình thực hiện Pháp lệnh thì tính pháp lý của Pháp lệnh chưa cao, dẫn đến việc xây dựng luật này trong thời bình cũng còn có những hạn chế nhất định. Ví dụ như việc xây dựng lực lượng này ở các địa phương thực hiện chưa thống nhất trong phạm vi cả nước.
Thứ 2, lực lượng này trong quá trình huấn luyện, xây dựng cũng đã có những cái khó khăn nhất định. Bây giờ chúng ta có 2 cái tồn tại. Lực lượng dự bị động viên chính là nguồn dự bị của quân đội để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của quân đội trong các tình huống. Thế nhưng hiện nay chúng ta đang có bất cập là nguồn thanh niên nhập ngũ trở về địa phương lớn hơn so với yêu cầu xây dựng lực lượng này. Thứ 2 là điều kiện Ngân sách để bảo đảm huấn luyện, bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng này hiện cũng có những khó khăn nhất định.
Cho nên với quan điểm đó, Bộ Quốc phòng cũng đã báo cáo Chính phủ có Tờ trình để nâng Pháp lệnh này lên thành Luật.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Phó Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam!