PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN CHỦ TRÌ VÀ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ ''THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC ĐẾN NĂM 2030 NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KT-XH''

07/09/2020

Ngày 07/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức Phiên giải trình về ''Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội''. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc

Tham dự Phiên giải trình có diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách một số tỉnh/ thành phố; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh/ thành phố.

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, từ nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực để phát triển năng lượng quốc gia trong đó có ngành điện lực. Ngành điện lực cũng có sự phát triển nhanh chóng, công suất phát điện tăng nhanh, lưới điện được đầu tư phát triển trên khắp vùng miền của đất nước, chất lượng điện được nâng cao. Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển và nhu cầu tăng cao của nền kinh tế xã hội, ngành điện cũng đang đứng trước những thách thức và khó khăn, bất cập. Do đó, cần phải tháo gỡ những vướng mặc để cho ngành điện có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Báo cáo về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, những năm qua, ngành điện lực cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống sinh hoạt của nhân dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngành điện luôn hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, ngành điện còn thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện tại Việt Nam ngày một tăng cao (sản lượng điện đã tăng khoảng 10 lần từ năm 1990 tới năm 2019), trong khi các nguồn vốn dành cho phát triển điện lực ngày càng gặp nhiều khó khăn nhưng ngành điện vẫn đảm bảo việc cung ứng điện và ngày càng khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2020, ngành điện đã xây dựng và thực hiện được 02 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2011 và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016) và nhiều quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh đã được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo

Đánh giá chung tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giúp định hướng cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực xây dựng và phát triển ngành Điện gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Trải qua gần 10 năm thực hiện các Quy hoạch điện VII và VII hiệu chỉnh, ngành điện cơ bản đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra, đảm bảo tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho đất nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Tại Phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành trong việc phát triển điện lực cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống sinh hoạt của nhân dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng vấn đề kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng, phát triển thị trường điện, quản lý cung cầu điện, công tác xây dựng quy hoạch và triển khai quy hoạch điện, phát triển năng lượng tái tạo, xuất nhập khẩu điện... vẫn có những tồn tại nhất định.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Đi vào cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận và một số đại biểu chỉ ra rằng, quy hoạch điện của nước ta thời gian qua có phần xơ cứng, chậm điều chỉnh, cập nhật tình hình nên đã để mất nhiều cơ hội trong đầu tư về điện. Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng là vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng cả giá điện đầu vào và giá điện bán ra đều chưa theo cơ chế thị trường, cho nên dẫn đến giảm động lực của sự phát triển điện năng.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngành điện lực tới sự phát triển của kinh tế- xã hội cũng như đảm bảo ổn định đời sống của người dân, tuy nhiên đại biểu cho biết, nhiều cử tri rất quan tâm đến chính sách giảm giá điện trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, đề nghị Bộ trưởng cần làm rõ tác động của chính sách này. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, Bộ Công thương đã tiến hành tăng giá điện làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội, vậy có biện pháp và chính sách gì nhằm giảm thiểu tác động đến đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, nhất là người nghèo.

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Công thương từ năm 2011 đến nay, đã 09 lần điều chỉnh tăng giá điện, chưa bao giờ điều chỉnh giảm, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành điện, chưa giải quyết được bức xúc tiền điện, quy hoạch bất cập kể cả nguồn điện, lưới điện, rủi ro thiếu điện... đề nghị Bộ Công thương cần cho biết thêm về vấn đề này.

Giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, để khắc phục những tồn tại mà các đại biểu đã nêu ra, Bộ Công thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp như: bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam: sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời);  chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bào an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.  

       

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự thành công của Phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế đã tổ chức; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và các Bộ, ngành liên quan nắm chắc vấn đề, cung cấp thêm các thông tin về an ninh năng lượng; các đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi và thảo luận rất tâm huyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục tiêu lớn nhất, bao quát nhất cần thực hiện trong thời gian tới là phải đảm bảo năng lượng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, có cơ cấu hợp lý, tăng trưởng theo chiều sâu và không để bị động vì thiếu năng lượng.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành; Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ; Sớm sửa đổi một số luật có liên quan đảm bảo sự thống nhất, tránh chống chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh