ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỀ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

19/07/2019

Sáng 18/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018” đã có cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; đại diện Bộ Tài chính; Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh…

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2013-2018 của Bộ Tài chính cho thấy, việc hình thành Quỹ này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác quản lý, điều hành giá trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện cơ chế, chính sách đã được quy định tại Luật Giá, các nghị định của Chính phủ và hướng dẫn chi tiết của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Quang chủ trì buổi làm việc.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước và có tính chất đặc thù, được thành lập với mục tiêu duy nhất là bình ổn giá. Quỹ được hình thành trên cơ sở giao các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản gửi tiền tại ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để hạch toán, theo dõi khoản tiền được trích lập tại từng kỳ điều hành giá xăng dầu. Do vậy, không phát sinh việc quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có điều lệ hoạt động, không có cơ chế tài chính riêng, không có chế độ lương thưởng. Chính vì vậy, việc quản lý, giám sát và vận hành Quỹ có khác với một số quỹ hiện hành và cơ bản không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác (ngoài Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC).

Báo cáo cũng nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Sự thay đổi về giá xăng dầu có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ hoạt động trong nền kinh tế quốc dân và đời sống dân cư. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu nước ta thuộc dạng thị trường cạnh tranh không hoàn hảo nên cần thiết phải có cơ chế điều tiết giá xăng dầu để tránh tác động ảnh hưởng tiêu cực.

Giá xăng dầu thế giới luôn có những biến động rất khó lường. Để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh kế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, thì Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định cơ chế điều hành giá xăng dầu thông qua giá cơ sở và gắn với đó là việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trên cơ sở đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ giai đoạn 2013-2018 đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là thực hiện cơ chế điều hành giá xăng dầu theo cơ chế giá thị trường, xóa bỏ cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo cũng cho thấy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành kịp thời thông tư liên tịch để hướng dẫn đầy đủ cơ chế hình thành, trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, phù hợp với quy định tại Luật Giá. Tuy nhiên, hiện nay, khi triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, không còn hình thức thông tư liên tịch nên những vấn đề đặt ra thuộc trách nhiệm của liên bộ cần rà soát để nâng lên tầm nghị định. Vấn đề này cần được khắc phục khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP…

Trên cơ sở phân tích chính sách, pháp luật, xem xét quá trình hoạt động, nhiều thành viên Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về Quỹ. Liên quan đến đề nghị sớm có lộ trình bỏ Quỹ, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Chính phủ cần có tổng kết những mặt được và chưa được trong quá trình hoạt động của Quỹ, từ đó có căn cứ cho việc tiếp tục duy trì hay bỏ Quỹ này. Trong trường hợp chưa bỏ Quỹ, thì cần có phương án hoàn thiện chính sách, bảo đảm quản lý, sử dụng Quỹ cho hiệu quả hơn. Chính phủ cần rà soát lại các yếu tố để hình thành giá cơ sở cho phù hợp, vì mục tiêu cuối cùng là để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)