PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN KINH TẾ

08/08/2019

Để chuẩn bị cho các báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 08/8, Ủy ban Kinh tế tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 10 để cho ý kiến về một số nội dung thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Trong cả 2 Luật có quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thiên nhiên. Đây là những vấn đề mới quy định lần đầu tiên trong 02 đạo luật này nhằm tăng cường trong việc thực hiện quản lý nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nhằm hài hòa lợi ích nhà nước và tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên trong quá trinh triển khai, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chậm. Trong suốt thời gian chưa có Nghị định đã tạo khoảng trống, dẫn đến việc thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tổ chức thực hiện được. Chính vì vậy, tại phiên họp, các đại biểu tham dự sẽ cho ý kiến về việc gải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tờ trình tại phiên họp

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, thừa Ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chưa cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013; đồng thời ngày 10/10/2014, Chính phủ đã có Báo cáo số 388/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị việc xem xét, miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn này. Tuy nhiên hàng năm cơ quan thuế vẫn phải thực hiện việc quản lý, tổng hợp, hạch toán, báo cáo số tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên và phân bổ vào ngân sách địa phương. Do đó, việc tạm thời chưa thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn nêu trên dẫn tới các địa phương vẫn phải ‘treo” khoản thu ngân sách này. Nếu tiếp tục kéo dài thười hạn tạm thời chưa thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như đã nêu trên sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế và doanh nghiệp trong việc xử lý nghĩa vụ thuế sau này. Từ vướng mắc nêu trên, Chính phủ đề nghị xem xét, quyết định miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 cho các tổ chức, cá nhân đã cấp khép khai thác khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 203 có hiệu lực.

Đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, theo Chính phủ cho biết, việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một chính sách mới, đặc thù mặc dù được đánh giá tác động nhưng vẫn phát sinh thêm nhiều vấn đề mới đẫn đến chậm ban hành Nghị định số 82.  Để giải quyết vấn đề không thống nhất về thời điểm thu tiền cấp quyền cấp khai thác tài nguyên nước giữa Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 82, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn từ 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017.

Các thành viên Ủy ban thảo luận tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cần có Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước tuy nhiên có đại biểu không đồng tình với việc ban hành Nghị quyết và đề nghị Chính phủ phải đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật đã có hiệu lực; đồng thời các đại biểu thẳng thắng đề nghị Chính phủ nghiêm túc khắc phục tình trạng Luật đã Ban hành xong rồi mà Chính phủ chậm ban hành các Nghị đinh hướng dẫn thi hành. Đây hoàn toàn là trách nhiệm thuộc về Chính phủ, các doanh nghiệp hoàn toàn không có lỗi trong vấn đề này. Do đó, Hồ sơ Tờ trình của Chính phủ cần phải hoàn thiện theo hướng chi tiết, đầy đủ, rành mạch hơn; nhận rõ trách nhiệm từ phía Chính phủ để đảm bảo tính thuyết phục khi đưa ra tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ, khi có một chính sách mới được ban hành thì Chính phủ phải đánh giá tác động kỹ càng, tuy nhiên trong Tờ trình, Chính phủ lại đưa ra lý do rằng đây là vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến chậm ban hành Nghị định để triển khai thực hiện, do đó đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Chính phủ chứ không phải do nguyên nhân khách quan.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đưa ra ý kiến

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay thì cần có sự rà soát tính toán trên cơ sở tình hình thực tiễn để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh; tạo môi trường đầu tư lành mạnh; phát triển hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nhằm thu hút sự đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó vẫn song song với việc Chính phủ phải đảm bảo trách nhiệm từ phía các cơ quan nhà nước, cụ thể là trách nhiệm ban hành các văn bản chi tiết để hướng dẫn thi hành Luật.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tại phiên họp vẫn còn những luồng ý kiến khác nhau về vấn đề nên hay không nên ban hành một Nghị quyết của Quốc hội; thu hay không thu số tiền cấp quyền khai thác các tài nguyên; do đó, trên cơ sở thảo luận, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp thu các ý kiến và phân tích các phương án khả thi để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh