NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ KHAI THÁC THUỶ SẢN XA BỜ

26/08/2022

Việc quản lý khai thác hải sản, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay gặp khá nhiều khó khăn. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý môi trường nuôi, chế biến thuỷ sản và kiểm soát khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng nay 26/8 tại Đà Nẵng.

 

 

Toàn cảnh hội thảo 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo IUU, Bộ Quốc phòng, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 46 vụ với 68 tàu bị nước ngoài bắt giữ vì vi phạm vùng biển nước ngoài. Lực lượng Cảnh sát biển phối hợp cùng các địa phương và lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ với 48 tàu, 362 ngư dân vi phạm IUU; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 178 tàu, thu nộp Ngân sách nhà nước hơn 382 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có giấy tờ tuỳ thân; tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Trung tá Thái Văn Hân - Phó Trưởng phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: “Thực tế trong quá trình tuần tra kiểm soát phát hiện ngư dân Việt Nam vi phạm trong khai thác thuỷ hải sản tương đối nhiều. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng cảnh sát biển cũng thực hiện công tác tuyên truyền là chủ yếu. Thực tế người dân vi phạm những hành vi cũng nhỏ nhưng mức xử phạt của chúng ta tương đối lớn, ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của ngư dân. Nên quan điểm lấy công tác đấu tranh phòng ngừa, là chính”.

Trung tá Thái Văn Hân - Phó Trưởng phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 

Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cũng cảnh báo, nếu chúng ta không khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tàu cá vi phạm IUU để EC gỡ thẻ vàng thì nguy cơ ta bị rút thẻ đỏ về lĩnh vực thuỷ sản là rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của ngư dân, hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu tham gia dành sự quan tâm và phân tích, đó là nguồn kinh phí cũng như nguồn lực cho tổ chức thực hiện quản lý ngành thuỷ sản còn hạn chế, trong khi nhiệm vụ quản lý ngày càng tăng, đặc biệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông  Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản

Ông  Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản bày tỏ: “Rõ nhất là ở Khánh Hoà, Phú Yên, Rất nhiều lần vào làm việc, lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh phải cho ta bộ máy mới làm việc được. Chứ 2- 3 người mà quản lý một bờ biển dài đến hơn trăm km thì làm làm sao được? Trong khi không có gì cả. Tàu không, lực lượng không, người không, kinh phí không….”.

Việc áp dụng luật đối với hành vi vi phạm IUU cũng có nhiều vướng mắc. Bởi việc thu thập chứng cứ chứng minh tàu cá có hành vi vi phạm “khai thác thuỷ sản tại vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác” là vô cùng khó khăn khi hành vi đánh cá xảy ra trên vùng biển nước ngoài. Mặt khác, khó khăn trong thu thập các bản bản án, biên bản bắt giữ tàu cá, ngư dân của nước sở tại có giá trị pháp lý nên khó khăn để xử lý hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” để răn đe. Khó khăn trong việc thu tiền phạt với đối tượng có hành vi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài do ngư dân không có khả năng về tài chính hoặc không đủ tiền để nộp phạt hoặc kéo dài thời gian nộp phạt.

Ngoài ra, về công tác quản lý tàu cá, thuyền viên, thực tế có nhiều trường hợp tàu cá tuy đăng ký biển ố ở địa phương này nhưng khi xuất phát đánh bắt ở một số địa phương khác, hoặc đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân ở tỉnh khác gây khó khăn trong việc quản lý, đăng ký phương tiện cũng như xử phạm khi có vi phạm.

Bà Nguyễn Thị lệ Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường 

Bà Nguyễn Thị lệ Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Một thực tế ở Bến Tre, rất nhiều tàu có đăng ký thường trú ở Bến Tre nhưng không hoạt động tại Bến Tre, mà toàn bộ các tàu này khi đăng ký rời/cập cảng đều ở Sông Đốc của Cà Mau. Như vậy khi vi phạm thì báo về Bến Tre, Bến Tre không xử lý được vì mời người ta, người ta không về. Người ta ở dưới đó định cư rất lâu rồi”.

Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 2-4%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, nhiều ý kiến đề xuất cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng như quản lý nuôi trồng thuỷ sản, tăng sản lượng nuôi trồng, giảm khai thác tự nhiên. Đầu tư cho hạ tầng nghề cá xứng tầm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản, cũng như các chính sách về nguồn lực, kinh phí cho bộ máy quản lý, nhất là quản lý đội tàu khai thác thuỷ sản xa bờ./.

Mỹ Phượng - Lê Anh

Các bài viết khác