ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

04/08/2020

Sáng ngày 04/8, tại Trụ sở làm việc của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia và đại diện các Hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả hoạt động của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện, hoàn thành những chỉ tiêu đề ra trong các Nghị quyết: Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Quốc hội khóa XIV về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông về ba nhóm vấn đề chính là viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và an toàn thông tin dữ liệu.

Bên cạnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận xem xét các mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành, các địa phương để giải quyết tốt các vấn đề trên trong giai đoạn sắp tới.

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phú Tiến đã báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 cũng như tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mang lại những kết quả khả quan. Cụ thể, về môi trường pháp lý, nhiều văn bản pháp lý, Nghị quyết, Quyết định về vấn đề này đã được ban hành, qua đó thể hiện rõ mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện tháo gỡ những ách tắc trong môi trường pháp lý, rút ngắn các bước thực hiện, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử.

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phú Tiến báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, về hạ tầng, đa số các Bộ, ngành, địa phương đã trang bị các hạ tầng công nghệ thông tin tương đối đầy đủ, đáp ứng cơ bản những nhu cầu thiết yếu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đã trở nên phổ dụng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp cũng được tích cực triển khai. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử là để phát triển đồng bộ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp số, làm nền tảng cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Về vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về chính sách và kỹ thuật như: rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức trong vấn đề an ninh mạng; tích cực triển khai giám sát, đánh giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các biện pháp hiệu quả đó đã giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019 trong bảng xếp hạng quốc tế về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 về nội dung triển khai xử lý tình trạng “sim rác”, “tin nhắn rác”, “cuộc gọi rác”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các tiêu chí sàng lọc, phát hiện SIM rác để tiến hành xử lý, thu hồi; triển khai công tác kiểm tra, thanh tra diện rộng, xử phạt các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp viễn thông di động; sử dụng các giải pháp công nghệ để giải quyết, nâng cao hiệu quả xử lý sim rác…

Tham gia ý kiến tại Hội thảo về vấn đề ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, một số đại biểu đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu của Liên Hợp Quốc như: Xây dựng và tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các đơn vị lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực trọng điểm mà Liên Hợp Quốc đánh giá như y tế, giáo dục, lao động, an sinh xã hội, môi trường; hợp tác và cung cấp kịp thời số liệu cho các tổ chức đánh giá xếp hạng của quốc tế.

Liên quan đến quy hoạch phát triển viễn thông, một số đại biểu cho rằng tuy đã đạt được một số thành quả quan trọng, nhưng việc phát triển viễn thông chưa đạt được như kỳ vọng bởi Bộ còn chậm cấp phép băng tần cho thông tin di động. Một số đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên xem xét và ban hành sớm Nghị định mới quy định việc đấu giá tần số, để có thể sớm tổ chức đấu giá, cấp phép mạng thông tin di động 5G. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có biện pháp quyết liệt xử lý “sim rác”, “tin nhắn rác”, “cuộc gọi rác”; có các hình thức xử phạt đủ mạnh với các cá nhân hoặc với nhà mạng vi phạm.

Về vấn đề nhân lực tham gia vào công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, qua tham khảo các bộ chỉ số đánh giá chất lượng nhân lực trên thế giới, một số đại biểu cho rằng chất lượng nhân lực nước ta trong lĩnh vực này còn thấp khiến các doanh nghiệp hầu như phải đào tạo lại đội ngũ kỹ sư mới ra trường. Tham khảo mô hình đào tạo từ các nước, một số đại biểu tham gia Hội thảo đề xuất thiết lập chuẩn đánh giá kỹ sư tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc thực hiện tích cực 03 Nghị quyết của Quốc hội. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề quan trọng nền tảng để có được những bước tiến lớn trong triển khai nhiều công việc tiếp theo trong tiến trình chuyển đổi số; đồng thời yêu cầu các Bộ ngành liên quan cần có sự kiên trì chiến lược, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp đã đề ra, không buông lỏng, cần lưu tâm đến việc tạo ra sự thay đổi có thực chất, theo quá trình, chứ không chỉ là sự thay đổi tạm thời để ứng biến tình hình trước mắt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ có ý nghĩa quan trọng để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, đưa vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông, gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển Công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số./.

Bùi Hùng - Trọng Quỳnh