HÌNH ẢNH HỘI THẢO “GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ CHO DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO BẮC – NAM”

19/07/2019

Sáng ngày 19/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp công nghệ cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam".

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, giao thông đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải nước ta. Đường sắt nước ta có từ rất sớm, tuy nhiên đến nay, khoảng 130 năm, đường sắt nước ta đã trở nên lạc hậu so với thế giới, với tốc độ 50 – 70km/giờ. Do vậy, việc xây dựng đường sắt mới là cấp thiết, không thể chậm trễ hơn nữa. Từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XII, Chính phủ đã trình ra dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng chưa được thông qua. Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực trình Quốc hội về dự án này.

Tại hội thảo còn nhiều ý kiến xoay quanh dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam như vận chuyển người với 300 – 350km/giờ hay vận chuyển cả người và hàng hóa với tốc độ 200 km/giờ. Một số đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, việc sử dụng đường sắt cao tốc 300 – 350km/giờ chưa thông dụng trên thế giới, thậm chí ở nước Đức còn đang có phương án quay trở lại sử dụng đường sắt cao tốc với vận tốc 249 km/giờ... Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cân nhắc nhiều mặt hiệu quả kinh tế, mức độ hội nhập, khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại hội thảo:

 

Hội thảo "Giải pháp công nghệ cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam"

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo

Đại diện liên danh tư vấn dự án (Tedi-Tricc-Tedishouth) trình bày các đặc điểm của công nghệ trên, đồng thời cho biết đây là xu thế công nghệ của thế giới đang hướng tới.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Bộ đưa ra 3 kịch bản để so sánh nghiên cứu và đề xuất theo hướng nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách. Đồng thời, xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 58,71 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng nếu chọn tốc độ cao 350km/h, chạy riêng chở khách thì chi phí rất lớn. Nếu chọn mức độ thấp kết hợp chở khách và chở hàng, một số nước thành công không cần tốc độ cao trên 200km/h mà vẫn đáp ứng được yêu cầu

GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc sử dụng đường sắt cao tốc 300 – 350km/giờ chưa thông dụng trên thế giới, thậm chí ở nước Đức còn đang có phương án quay trở lại sử dụng đường sắt cao tốc với vận tốc 249 km/giờ

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ về đường sắt tại một số nước

TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, đề xuất tăng cường nội địa hóa những phần thi công cơ khí trong dự án để giảm chi phí đầu tư

Ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cơ khí Hà Nội, cho hay, với công nghệ của nước ta, có thể làm được 50-60% về trang thiết bị đường sắt tốc độ cao bởi hiện nay tà vẹt đang làm cho nước ngoài chạy được với tốc độ 320km/giờ.

Ông Phạm Hữu Sơn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), đơn vị tư vấn thiết kế dự án giải trình một số vấn đề các đại biểu nêu 

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục cân nhắc nhiều mặt hiệu quả kinh tế, mức độ hội nhập, khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Trọng Quỳnh