Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Y tế

24/02/2016

Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 24/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn giám sát Lê Bộ Lĩnh và Phùng Đức Tiến đồng chủ trì buổi làm việc. Tham gia buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương…cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Báo cáo về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, các chính sách, pháp luật về phát triển khoa học đã được Bộ Y tế các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực, đúng định hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2005- 2015 đã được ứng dụng trong việc xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sau 10 năm thực hiện, trình độ khoa học, công nghệ y, dược của Việt Nam từng bước được phát triển và có nhiều lĩnh vực đạt ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị, sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm thuốc, dược liệu, dịch vụ y tế tiếp cận thị trường thế giới thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; đưa tiến bộ của khoa học và công nghệ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng đến được với nhiều người, trong đó có người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong y học lâm sàng, Bộ Y tế đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật phức tạp, tiên tiến trong y học: kỹ thuật ghép tạng, ghép tủy; kỹ thuật chuẩn đoán và can thiệp mạch; kỹ thuật nội soi và vi phẫu thuật nội soi; các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, sàng lọc trước sinh và sau sinh; kỹ thuật PET/CT mô phỏng xạ trị điều biến liều trong điều trị ung thư; kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu, tạo hình sẹo bỏng…

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi năm có đến hàng chục ca ghép gan, hàng trăm ca ghép thận, hàng nghìn ca ghép tủy, ghép giác mạc, ghép da được thực hiện thành công mang lại sự sống cho hàng chục nghìn người.

Trình độ can thiệp mạch trong lĩnh vực tim mạch ở nước ta cũng đạt trình độn ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới, tính riêng can thiệp mạch cấp cứu đã cứu sống trung bình 200 đến 250 ca mỗi năm. Từ khi kỹ thuật này được đưa vào ứng dụng đã có 1500 bệnh nhân được điều trị thành công.

Từ 2008- 2012, ngành đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, ứng dụng điều trị được trên 50 bệnh nhân mắc các bệnh máu khác nhau. Đặc biệt đã điều trị được cho 24 bệnh nhân Đa u tủy xương và 5 bệnh nhân U lympho ác tính. Ngoài ra, các nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với kỹ thuật siêu âm Doppler, điện châm, thủy châm cũng được ứng dụng thành công trong điều trị giảm đau sau phẫu thuật, ung thư giai đoạn cuối.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn này, Bộ cũng đã xây dựng và ban hành được nhiều văn bản mang tính quy chuẩn về chuyên môn kỹ thuật được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tư nhân trên toàn quốc. Cụ thể, đã ban hành được Hướng dẫn quy trình kỹ thuật của hơn 20 chuyên khoa với 18 đầu sách; hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị của 10 chuyên khoa; nhiều chuyên khoa khác cũng đang xây dựng quy trình kỹ thuật và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất dược cũng có nhiều bước tiến đáng kể: công nghệ sản xuất thuốc tiên đông khô carboplatin trong điều trị các bệnh hiểm nghèo được ứng dụng thành công và được sản xuất với quy mô công nghiệp, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường với giá thành thấp hơn 20-25% giá thuốc ngoại nhập có chất lượng tương đương; sản xuất thành công thuốc phóng xạ 99mTc-kháng thể dùng trong chẩn đoán bệnh viêm tủy xương và nhiễm trùng…

Trong giai đoạn này, y học dự phòng cũng phát triển mạnh mẽ. Nhiều công nghệ sinh học phân tử mới được nghiên cứu và ứng dụng thành công giúp chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh, cũng như sản xuất vắc-xin.

Để có được những kết quả tích cực trên, là do các chiến lược, đề án, chương trình về phát triển  khoa học- công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 đã được Bộ Y tế quán triệt, hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện luôn được ban hành kịp thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng chính sách về khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề nổi cộm, đặc thù trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, thực hiện thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 vẫn còn một số hạn chế như nhân lực nghiên cứu ở một số chuyên ngành còn thiếu hụt, khả năng làm việc nhóm của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ còn hạn chế; nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học còn thấp... Do đó, nhiều nhiệm vụ chậm được triển khai, tiến độ kéo dài; đa số các đơn vị, tổ chức khoa học- công nghệ chưa có kết quả đánh giá thực hiện chiến lược ngắn, trung và dài hạn…

Đánh giá cao những nỗ lực và bước tiến của ngành Y tế trong giai đoạn vừa qua, cũng như nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Bộ Y tế, tuy nhiên các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Y tế làm rõ các Luật, Nghị định, Thông tư  cho hoạt động khoa học, công nghệ áp dụng trong lĩnh vực Y tế có còn gì vướng mắc không? Đồng thời, đề nghị, báo cáo của Bộ Y tế cần được chứng minh bằng những số liệu cụ thể hơn để Đoàn giám sát có những đánh giá và góp ý chính xác.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, nội dung về phát triển khoa học về quản lý ngành Y tế mặc dù đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở lý luận, định hướng trong xây dựng, hoạch định chính sách nhưng chưa được phân tích trong báo cáo. Vì vậy, cần có những đánh giá bổ sung về nội dung này bên cạnh 6 nhóm lĩnh vực trọng tâm đã nêu trong báo cáo.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng trao đổi và đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý các bệnh viện; quy trình đào tạo đội ngũ y, bác sĩ chất lượng cao; chiến lược của ngành Y tế trong giai đoạn tới như thế nào và khoa học- công nghệ đóng góp gì trong chiến lược của ngành; đồng thời, yêu cầu Bộ làm rõ tiềm lực khoa học trong ngành Y tế trong những năm vừa qua…

+ Theo chương trình, sau buổi làm việc với Y tế, sáng mai, 25/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công thương về nội dung này.

Tin và ảnh: Nguyễn Phương