ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI HUYỆN TIÊN DU

01/04/2024

Sáng 01/4, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Trần Thị Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng Đoàn tiến hành giám sát đối với UBND huyện Tiên Du về việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCN), giai đoạn 2018-2023.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH: KIẾN NGHỊ BỔ SUNG CHẾ TÀI ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CHỊU SỰ GIÁM SÁT CHẬM HOẶC KHÔNG THỰC HIỆN KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT

Đến nay, huyện giảm được 3 đơn vị sự nghiệp so với năm 2018. Sau khi kiện toàn, sắp xếp lại, các tổ chức mới hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ; công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường. Việc rà soát, sắp xếp lại nhân sự, bố trí, sử dụng viên chức cơ bản phù hợp theo cơ cấu, vị trí việc làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở địa phương, đơn vị. Khi sáp nhập do không dôi dư về chỉ tiêu, biên chế nên UBND huyện không phải xem xét, giải quyết cho viên chức, người lao động thôi việc.

Huyện có tổng số 58 ĐVSNCL, đã giao quyền tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ trong năm 2023 cho 58 đơn vị. Trong đó, có 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 1 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 56 đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Đoàn giám sát thực tế tại trường Mầm non Phú Lâm 1 huyện Tiên Du

Việc sắp xếp ĐVSNCL ở huyện còn có những khó khăn, vướng mắc như: Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các ĐVSNCL, nhất là biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục được giao còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, số học sinh, số lớp tăng cơ học trong những năm gần đây; sau khi sáp nhập, hợp nhất, một số cơ quan, đơn vị dôi dư chức vụ lãnh đạo theo quy định, gặp nhiều khó khăn trong bố trí, sắp xếp cán bộ; số đơn vị ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên còn ít, do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế, nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Huyện Tiên Du đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, quan tâm có chính sách quy định tăng mức trợ cấp chi trả đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3-6-2023 của Chính phủ, nhằm đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Cần có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành trong việc quy định định mức biên chế (sự nghiệp giáo dục và đào tạo) và thực hiện chính sách tinh giản biên chế; quan tâm bố trí cơ sở vật chất phù hợp sau sáp nhập đối với những đơn vị trường học, nhất là các tiêu chí bảo đảm đạt chuẩn. 

Đoàn giám sát đi thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giáo viên trường Mầm non Phú Lâm 1, dự kiến sáp nhập trong năm 2024.

Kết luận giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Tiên Du; những đề xuất, kiến nghị của huyện để chuyển tải đến Quốc hội và cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương.  Đồng thời, đề nghị huyện Tiên Du bám sát văn bản của Trung ương, của tỉnh để tiến hành việc sắp xếp ĐVSNCL bảo đảm đúng tiến độ; tính toán kỹ càng, xây dựng lộ trình cụ thể việc sáp nhập các đơn vị; quan tâm bố trí cơ sở vật chất phù hợp để bảo đảm hoạt động tốt cho các đơn vị; bố trí phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sáp nhập.

(Theo Báo điện tử Bắc Ninh)

Các bài viết khác