KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI – TRƯỞNG ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỔ GIÚP VIỆC ĐOÀN GIÁM SÁT

26/02/2024

Đoàn Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát với Tổ giúp việc Đoàn giám sát.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CẦN CHÚ TRỌNG TÍNH HIỆU QUẢ, THỰC CHẤT, TRÁNH HÌNH THỨC

Ngày 21/2/2024, tại Nhà Quốc hội, Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đã làm việc với Tổ giúp việc của Đoàn giám sát để nghe báo cáo về triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; tiến độ, kế hoạch giám sát. Tham dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo Đoàn giám sát, Tổ giúp việc, đại diện Truyền hình Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Sau khi nghe đại diện Tổ giúp việc báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Trưởng đoàn giám sát kết luận như sau: 

1. Ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Tổ giúp việc trong việc chủ trì tham mưu, triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát. 

2. Cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổ giúp việc về tiến độ, kế hoạch giám sát, theo đó, tổ chức 04 đoàn công tác giám sát thực tế tại địa phương và làm việc với Chính phủ, 12 Bộ, cơ quan liên quan tại Nhà Quốc hội trong tháng 3/2024. Đồng thời, đề nghị lưu ý các vấn đề sau: 

2.1. Về yêu cầu tổ chức các Đoàn công tác tại các địa phương: 

- Tiếp tục kế thừa những kết quả của các đoàn giám sát trước; chú trọng tính hiệu quả, thực chất, tuân thủ đúng các quy định, tránh hình thức, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở. 

- Các đoàn công tác triển khai công việc để bảo đảm tinh gọn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc. Trưởng đoàn công tác quyết định về chương trình công tác cụ thể tại các địa phương; điều hành, phân công nhiệm vụ của các thành viên trong đoàn công tác. 

2.2. Về đối tượng, nội dung giám sát: 

- Bảo đảm hiệu quả, chất lượng và trọng tâm, trọng điểm. 

- Các đoàn công tác tại các địa phương tập trung vào 2 vấn đề chính: 

Thứ nhất, khảo sát thực tế đối với một số dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43. 

Thứ hai, trực tiếp nghe địa phương báo cáo về nội dung giám sát theo đề cương, đi sâu vào những vấn đề vướng mắc, khó khăn của địa phương để từ đó có tổng hợp, kiến nghị sát thực tế. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, thành viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát báo cáo về nội dung đã triển khai.

2.3. Về việc đảm bảo kỷ cương, kỷ luật: 

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ báo cáo của các cơ quan gửi tới Đoàn giám sát. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; người đứng đầu các bộ, ngành phải có trách nhiệm báo cáo Đoàn giám sát, trừ trường hợp bất khả kháng. 

- Giao Tổ giúp việc nghiên cứu, rà soát các báo cáo nhận được, phân công cụ thể cho từng thành viên Đoàn giám sát chủ động nghiên cứu, cho ý kiến về các báo cáo theo lĩnh vực chuyên môn, gửi báo cáo cho lãnh đạo Đoàn giám sát bằng văn bản, trong đó nhận xét rõ và đánh giá chất lượng các báo cáo gửi về, cần biểu dương những nơi làm tốt, chỉ rõ những nơi làm chưa tốt, báo cáo chưa đầy đủ. Các báo cáo nếu không đảm bảo thì cần sớm có văn bản đôn đốc, đề nghị cơ quan báo cáo bổ sung theo đúng yêu cầu. 

Tổ giúp việc khẩn trương tập hợp, tổng hợp các báo cáo gửi về, sớm xây dựng Báo cáo giám sát đầy đủ, dự thảo Nghị quyết song song với quá trình tổng hợp và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kịp tiến độ; dự thảo cho các trưởng đoàn công tác phát biểu mở đầu buổi làm việc bao gồm cả gợi ý thảo luận, dự thảo kết luận các buổi làm việc bao gồm những kết quả nổi bật đạt được, những bất cập, hạn chế cần khắc phục, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị phù hợp và các nội dung đề nghị tỉnh, bộ báo cáo bổ sung. 

- Phân công cụ thể, chia nhóm hợp lý các thành viên Đoàn tham gia các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Các cuộc làm việc với các bộ, ngành hinh trung ương yêu cầu họp toàn thể Đoàn giám sát, các thành viên phải tham dự đầy đủ và có ý kiến. Với một số địa phương lớn, quan trọng mời tất cả các đồng chí lãnh đạo Đoàn giám sát dự. 

Lãnh đạo và thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.

2.4. Về truyền thông: 

Đề nghị công tác truyền thông tiến hành ngay trong quá trình giám sát, làm theo chuyên đề, tạo hiệu ứng giám sát, Vụ Thông tin là đầu mối, giao nhiệm vụ cho Báo ĐBND và Truyền hình Quốc hội cùng các báo, đài khác thật cụ thể về từng chuyên đề chuyên sâu; chú trọng việc xây dựng kịch bản và phim tư liệu về hoạt động của Đoàn giám sát, phục vụ việc báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội, phục vụ công tác truyền thông; giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu xây dựng chuyên trang về cuộc giám sát trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội. 

Giao Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng đoàn giám sát chủ trì chỉ đạo triển khai công tác truyền thông, xây dựng phim tư liệu, công tác quản lý, sử dụng báo cáo, tài liệu của Đoàn giám sát. 

Đại diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam báo cáo về kế hoạch xây dựng kịch bản và phim tư liệu về hoạt động của Đoàn giám sát

2.5. Về việc phối hợp với các cơ quan liên quan: 

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan trọng công tác giám sát. 

- Có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương đề nghị phối hợp với Đoàn giám sát (gửi kèm kế hoạch giám sát, đề cương chi tiết, các văn bản liên quan), đề nghị Ban cử lãnh đạo Ban tham gia các hoạt động giám sát theo giấy mời của Đoàn giám sát; có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị phối hợp với Đoàn giám sát (gửi kèm kế hoạch giám sát, đề cương chi tiết, các văn bản liên quan), đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cung cấp các thông tin liên quan đến chuyên đề giám sát (nếu có) tham gia ý kiến khi Đoàn có đề nghị. Tổ giúp việc dự thảo 2 văn bản gửi 2 cơ quan, xin ý kiến lãnh đạo Đoàn trước khi trình Trưởng đoàn giám sát ký ban hành. 

3. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến các các đại biểu tại cuộc họp này, thống nhất phân công, lập kế hoạch triển khai công việc cụ thể phù hợp về thời gian, hạn chế trùng với hoạt động của các đoàn giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình lãnh đạo Đoàn giám sát ký ban hành; báo cáo kịp thời về tình hình, tiến độ thực hiện, các vấn đề vướng mắc phát sinh cho lãnh đạo Đoàn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Bám sát tiến độ Kế hoạch đã phê duyệt, chuẩn bị sớm nội dung, bố trí thời gian để báo cáo sơ bộ kết quả giám sát xin ý kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc.

4. Đề nghị các đồng chí thành viên Đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường phối hợp để triển khai công tác giám sát hiệu quả. 

5. Văn phòng Quốc hội đảm bảo kinh phí làm phim tư liệu, công tác truyền thông và kinh phí, các điều kiện về hậu cần, đảm bảo phục vụ chu đáo các hoạt động của Đoàn Giám sát. 

6. Kiểm toán nhà nước khẩn trương chuẩn bị báo cáo về các nội dung liên quan để gửi Đoàn giám sát./.

Trọng Quỳnh