GIÁM SÁT TỐI CAO THÔNG QUA CHẤT VẤN: TRỰC TIẾP, HIỆU QUẢ VÀ NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI

12/11/2023

Tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 6 đã kết thúc, theo chương trình, Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc từ ngày 20/11 đến 29/11. Trong tuần làm việc vừa qua, Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Dư âm về kết quả của phiên họp cho thấy, những đổi mới trong hoạt động chất vấn cho thấy chất lượng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội ngày càng được nâng lên.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chất vấn đúng trọng tâm, trả lời thẳng thắng, trực diện, chủ tọa điều hành bài bản và khoa học.

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt đại biểu tranh luận. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng.

Chia sẻ bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu cho rằng kết quả của phiên họp đã thành công tốt đẹp, với nhiều đổi mới cả nội dung, hình thức, đặc biệt qua chất vấn cho thấy rõ những chuyển biến biến trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá về kết quả phiên chất vấn:

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Một trong những đổi mới trong công tác chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 là đối tượng chất vấn rộng tất cả thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; phạm vi chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực: kinh tế tổng hợp; lĩnh vực kinh tế ngành; lĩnh vực nội chính, tư pháp; lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thời gian chọn chất vấn dài, đó là việc thực hiện nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội từ khóa XIV đến kỳ họp thứ 4 khóa XV.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Sự đổi mới này tại phiên chất vấn nên tất cả tư lệnh ngành phải nắm chắc và bám sát vấn đề; cũng là cơ hội để đại biểu kiểm tra, giám sát lại các tư lệnh ngành trong việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn và thực hiện kiến nghị của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được các bộ, ngành triển khai thực hiện đến đâu. Đây cũng là dịp để tư lệnh các ngành, các bộ trưởng, Chính phủ nhìn nhận lại những vấn đề đang phụ trách, theo dõi, thực hiện còn vấn đề bất cập, đang đặt ra từ góc nhìn của Quốc hội.

Trong quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ và bám sát vấn đề trong các Nghị quyết về giám sát và chất vấn; đồng thời cũng gắn với những nội dung, vấn đề trong quá trình thực hiện đang còn bất cập. Đại biểu cũng theo đuổi đến cùng vấn đề, tham gia tranh luận để tìm được chân lý của vấn đề, sự việc; đồng thời góp ý, kiến nghị nhiều giải giúp Chính phủ và các ngành trong quá trình điều hành tốt hơn.

Các Bộ trưởng tiếp nhận câu hỏi và trả lời thẳng thắn, trực diện vào vấn đề đại biểu quan tâm; cơ bản đáp ứng được những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, không có sự chuẩn bị sẵn, cũng khó có thể đáp ứng được tất cả các vấn đề đại biểu nêu, đặc biệt là những vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp như giáo dục, y tế, văn hóa… cần phải có nhiều thời gian hơn để giải trình hết các vấn đề đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiện Huế: Tôi đánh giá cao chất lượng các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội, đánh giá cao phần trả lời của bộ trưởng, trưởng ngành và sự đồng hành của các Phó Thủ tướng Chính phụ trách ngành, lĩnh vực. Càng ngày, nội dung chất vấn càng sâu, rộng, toàn diện, chuyển tải ý kiến của cử tri đến bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành bài bản, linh hoạt, toàn diện và sâu sắc của chứng minh rằng trình độ, năng lực, trách nhiệm của các đồng ví trị trụ cột quốc gia rất cao.

Tôi cho rằng, lĩnh vực nóng nhất vấn là y tế, và thông tin truyền thông đánh giá cao và ấn tượng cách giải quyết vấn đề, chia sẻ và nhận trách nhiệm của Bộ Y tế; chất lượng và trình độ của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, với vấn đề chuyển đổi số trong giai đoạn tới. Tổng Thanh tra Chính phủ mới tiếp nhận vị trí Tổng thanh tra, tôi cảm nhận được niềm tin không chỉ riêng tôi mà của cử tri đối với Tổng thanh tra, về sự thẳng thắn, nhận khuyết điểm và khắc phục nhưng rất mong là sắp tới có cái giải pháp quyết liệt hơn trong cái việc khắc phục những cái hạn chế, tồn tại trước đó kéo dài đến nay và những cái hạn chế, tồn tại hiện thời của ngành thanh tra để thanh tra phải là thanh bảo kiếm sáng, sạch làm nền tảng thúc đẩy sự minh bạch trong tài chính, trong kinh tế, trong ngân sách nhà nước.

Tôi đánh giá cao các phần trả lời của lãnh đạo Chính phủ, trong đó tôi rất ấn tượng và nể phục cách giải quyết vấn đề và trả lời vấn đề cử tri quan tâm qua kênh của đại biểu Quốc hội là phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tôi thấy có sự chân thật, chân thành, mạnh dạn nhận khuyết điểm, mạnh dạn khắc phục khuyết điểm và tìm được lối thoát, lối ra cho những khó khăn, vướng mắc. Chính phủ là một trong những điểm tựa để cử tri và Nhân dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, do vậy việc mạnh dạn nhìn nhận thẳng vấn đề để giải quyết được sẽ giúp tìm giải pháp hiệu quả khắc phục, khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề đại biểu chất vấn, cử tri gửi gắm đại biểu không phải là những vấn đề của Phó Thủ tướng mà Phó Thủ tướng đang đại diện Chính phủ, đại diện cơ quan hành pháp thi hành đúng pháp luật, giải quyết những vấn đề vướng mắc.

Đại biểu Tráng  A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Khác với các kỳ họp trước, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các nhóm lĩnh vực. Do vậy, phạm vi chất vấn rất rộng, tập trung vào nhiều lĩnh vực, với sự tham gia của nhiều tư lệnh ngành. Mặc dù vậy nhưng với sự vào cuộc chủ động, các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội được các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có trọng tâm, trọng điểm sát với vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tại nghị trường.

Không khí chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, cụ thể, rõ ràng, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Phải nói rằng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành nắm chắc nội dung các vấn đề được chất vấn; phần lớn các nội dung trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các ngành, lĩnh vực đã giải trình, làm rõ về một số nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn quan tâm, nhất là các chủ trương, các giải pháp, chỉ đạo mang tầm vĩ mô, để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời ngắn gọn, xúc tích, nêu rõ những bất cập, tồn tại, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới, giao nhiệm vụ cụ thể đối với các vấn đề thuộc các bộ, ngành quản quản lý.

Tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa tại nghị trường.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Tôi nghĩ trong thời gian tới nên tiếp tục phát huy cách làm đổi mới này, sẽ có nhiều hình thức đổi mới khác nữa trong chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian tới. Tôi cho rằng, thời gian tới, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cần tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Tôi thấy rằng đại biểu tranh luận nhiều, thể hiện cách thức tổ chức chất vấn trong phạm vi rộng, đối với việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Hơn nữa, thời gian chất vấn chỉ có 2,5 ngày, thời gian dành cho các bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị hạn chế nên không thể trả lời hết những nội dung đại biểu mong muốn, trong khi đó, đại biểu muốn hiểu sâu, hiểu rõ, chất vấn đến cùng vấn đề nên nhiều vấn đề được đại biểu tranh luận lại, không phải không hài lòng về những nội dung các tư lệnh ngành đã trả lời.

Đây là phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ, trong nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ có nhiều nhiệm vụ cần giải quyết, tôi kỳ vọng, với những vấn đề đã hứa, những vấn đề đã chất vấn, kế hoạch đã ban hành tiếp tục có hướng dẫn cụ thể vừa dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, tránh tình trạng mỗi đơn vị có cách hiểu khác nhau, từ đó cán bộ không dám nghĩ, không dám làm. Tôi kỳ vọng năm 2023 đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng của Chính phủ.

Đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Với 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, gợi mở nhiều giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc và đã được Bộ trưởng, trưởng ngành ghi nhận, tiếp thu trong quá trình chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Cụ thể như một số giải pháp về phòng, chống tình trạng bạo lực học đường đối với ngành giáo dục và đào tạo; giải pháp xét xử bằng hòa giải của trọng tài thương mại, giúp giảm tải cho công tác tại các tòa án,…

Có thể thấy, qua hoạt động giám sát chuyên đề và chất vấn đã có chuyển biến trong thực thi chính sách pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội về giám sát tối cao. Cụ thể như chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5 liên quan đến giải quyết việc làm cho lao động nữ bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai và phối hợp với các bộ, ngành địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc và giao Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng đề án nhằm hỗ trợ các chương trình, dự án, vay vốn cho lao động nữ lập nghiệp, khởi nghiệp….

Qua hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội, những tồn tại, chậm trễ trong thực thi chính sách được tháo gỡ, điển hình như việc chậm chi trả kinh phí chăm sóc, bảo vệ rừng đang nợ trong năm 2021 tại một số địa phương đã được đưa lên nghị trường Quốc hội. Nhờ vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc để sớm cấp bù số kinh phí này cho người dân…. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với nhiều Bộ trưởng về cùng một nội dung, tranh luận nhiều lần, đi đến cùng vấn đề để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sau phiên chất vấn này của kỳ họp này, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát; đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng trưởng ngành

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Đây là cuộc chất vấn giữa nhiệm kỳ, chất vấn tổng hợp các vấn đề thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành, do vậy tôi cho rằng, trong phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ nên tăng thời gian chất vấn, bởi số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhưng chưa được chất vấn khá nhiều, chỉ có 30% đại biểu đăng ký được chất vấn. Còn khá nhiều ý kiến chưa được trình bày và tranh luận thêm để đi đến cùng vấn đề, tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác