KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NỘI DUNG GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN VÀ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV ĐẾN HẾT KỲ HỌP THỨ 4
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: CẦU THỊ, NỖ LỰC ĐƯA RA GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBTVQH15 ngày 16/3/2023 về ''Triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4''.
Thực hiện Kế hoạch số 435/KH-UBTVQH15 ngày 16/3/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ''Triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4'', Chính phủ vừa gửi Báo cáo số 484 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, gửi đến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính cho hoạt động KH&CN; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận và nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, KH,CN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ KH,CN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.
Đến thời điểm này, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển nhanh chóng. Đến nay, cả nước có gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: ngành công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính hay trong các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỷ đô-la Mỹ liên tiếp trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Theo báo cáo của Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển nhanh chóng.
Cả nước hiện có hơn 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm với 40 quỹ đầu tư nội địa, 03 kỳ lân công nghệ với tổng vốn đầu tư mạo hiểm 494 triệu USD , khoảng 138 trường đại học, học viện, cao đẳng tổ chức những hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo (trong đó có 43 trường đã thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài).
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các Đề án đã được phê duyệt nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp
Đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) với mục tiêu kết nối và khai thác nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai thí điểm, nhân rộng mô hình khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, Chiến lược phát triển KT-XH, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 và các quy hoạch, chiến lược khác có liên quan. Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển KH,CN&ĐMST; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN; hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức KH&CN công lập.
Triển khai Nghị quyết 134/2020/QH14 vẫn khó khăn do nhận thức còn hạn chế.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 vẫn còn khó khăn, vướng mắc do nhận thức về hoạt động đặc thù của KH&CN, nhận thức về tính rủi ro, độ trễ cũng như tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với sự phát triển KT-XH ở các cấp, các ngành còn hạn chế.
Trong đó, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST hiện hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ với các chính sách trong các lĩnh vực khác, chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các hoạt động KH&CN trong nước còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Thị trường KH&CN còn chậm phát triển, thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích “đầu tư mạo hiểm” vào các dự án KH&CN, sản xuất thử nghiệm và đại trà các sản phẩm KH&CN mới; chưa tạo ra sự gắn kết, vận hành theo cơ chế “đặt hàng” giữa doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu KH&CN.
Trình độ công nghệ nước ta còn thấp, hoạt động đổi mới, ứng dụng, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa tích cực và hiệu quả đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về năng lực tài chính, quản lý. Công tác tìm kiếm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam chưa có chiến lược bài bản và lộ trình cụ thể.
Hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ chưa có những chiến lược thay đổi mạnh về việc sắp xếp lại tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý. Nhiều tổ chức KH&CN trong các ngành, lĩnh vực còn thiếu tự chủ trong hoạt động, phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN về “độ trễ”, “tính rủi ro”; chưa tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN công lập tự chủ toàn diện. Thiếu cơ chế mở, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, gắn kết giữa các tổ chức KH&CN công lập với doanh nghiệp, để tạo ra các sản phẩm thương mại hóa dựa trên kết quả nghiên cứu.
Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cũng khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, ngành KH&CN đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết kịp thời.
Để khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Chính phủ tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội
Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu...với pháp luật KH&CN theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng, hoàn thiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, nhằm thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào đời sống.
Cùng với đó là đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập phù hợp với thông lệ quốc tế. Xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài.
Phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH,CN&ĐMST để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược về Trí tuệ Nhân tạo (AI). Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.
Nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt: Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh; Đề án thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST, đặc biệt từ doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến việc quản lý và tái chế tấm quang điện hỏng hóc hoặc đã hết hạn sử dụng phù hợp với quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên hỗ trợ và đẩy mạnh triển khai hoạt động thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ liên quan đến tái chế, sử dụng tấm quang điện hỏng hóc hoặc đã hết hạn sử dụng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn môi trường, nhất là công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có thể mạnh về xử lý tấm quang điện thải bỏ.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: “Chính phủ xin cam kết sẽ sát sao, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành, các địa phương; nắm chắc tình hình thực tiễn, sâu sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết”.