Tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII nêu rõ yêu cầu: Thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội. Ban hành chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hành nghề mê tín dị đoan thu lợi bất chính. Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Năm 2021, ban hành hướng dẫn về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới;…
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần
Triển khai thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Đã tập trung triển khai 06 nhóm nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam được ban hành; du lịch Việt Nam có sự cải thiện tích cực.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cũng thẳng thắn chỉ rõ, nguồn lực cho công tác văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích còn chậm; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống chỉ được triển khai ở một số loại hình. Cơ sở vật chất phục vụ thể dục, thể thao ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam hầu như chưa được triển khai.
Nêu quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhóm giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, đặc biệt vẫn còn “khoảng trống” trong khung khổ pháp lý về phát triển văn hóa .Tuy nhiên, về trách nhiệm của người đứng đầu, giải pháp, kiến nghị và cam kết thực hiện trong thời gian tới đối với những nội dung chưa hoàn thành theo Nghị quyết, đề nghị Chính phủ xác định rõ định hướng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực văn hóa.
Theo đó, cần tập trung thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thành pháp luật, trọng tâm là thúc đẩy việc chuyển các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm khai thác tối đa giá trị phát triển của các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, cần quán triệt quan điểm của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: “hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh để ban hành quy phạm pháp luật; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”; quán triệt quan điểm đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: “Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Về triển khai, thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch về bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới (khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, hiện nay, một số di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới đã được các địa phương triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó một số Quy hoạch di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, một số địa phương đề xuất phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích hư hỏng, xuống cấp. Việc quy hoạch là cơ sở để triển khai các dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch về bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ đó, đề nghị xác định các nhóm giải pháp phù hợp, cần tập trung nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật .
Liên quan đến việc ban hành chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (khoản 11 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, hiện nay, chính sách cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung thực hiện thông qua việc triển khai Dự án số 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 03 quyết định, 01 văn bản hướng dẫn, 02 công văn, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 01 thông tư để hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án. Đồng thời, Bộ đã tích cực, chủ động, bám sát nhiệm vụ được giao, kịp thời nắm bắt những vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai Dự án, ban hành công văn tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Đến nay, các nhiệm vụ của Dự án đang được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, Báo cáo của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định chung của Chương trình mục tiêu quốc gia; chưa nêu những việc đã thực hiện, khó khăn, bất cập của Dự án ở trung ương và địa phương.
Trên cơ sở phân tích những điểm còn hạn chế, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm: Về các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội; Về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị; Về chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;.. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ làm rõ về triển khai, thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch về bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt; về chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hành nghề mê tín dị đoan thu lợi bất chính;…/.