SỨC HÚT CỦA CÁC PHIÊN CHẤT VẤN TỪ PHƯƠNG THỨC "TRANH LUẬN"

11/08/2023

Thời gian gần đây, khi phương thức “tranh luận” được tăng cường đã mang lại dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng tạo nên thành công của các Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại tại mỗi Kỳ họp Quốc hội. Thông qua việc tranh luận trực tiếp với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, giúp tường minh, sáng tỏ và đi đến tận cùng vấn đề được chất vấn.

CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: RÕ TRÁCH NHIỆM, RÕ GIẢI PHÁP, TẠO SỨC MẠNH CỘNG HƯỞNG ĐÁP ỨNG MONG MỎI CỦA CỬ TRI

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trong các hình thức hoạt động giám sát, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và được coi là công cụ giám sát mạnh nhất của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội luôn được đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác theo dõi việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn, thông báo các nội dung có liên quan sau chất vấn được thực hiện một cách thường xuyên, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả chung của hoạt động giám sát. Bởi vậy, chất vấn từ lâu đã trở thành một sinh hoạt thường xuyên, có hiệu quả thiết thực của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định giơ biển tranh luận

Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong hoạt động chất vấn nói riêng và các hoạt động thảo luận khác, phương thức tranh luận được thừa nhận, đẩy mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả nhằm “đi tới cùng” những vấn đề còn quan điểm, ý kiến khác nhau.

Thông qua phương thức tranh luận, chất lượng các phiên chất vấn cũng trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Mỗi ý kiến, phát biểu tranh luận của đại biểu Quốc hội cũng chính là yếu tố quan trọng tạo sức hút, được cử tri chờ đợi, đánh giá cao tại mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Là cán bộ hưu trí, chia sẻ ấn tượng về hoạt động chất vấn của Quốc hội, cử tri Lưu Huy Vinh – Tp. Hà Nội cho biết, việc đại biểu giơ biển tranh luận cho thấy, tinh thần thẳng thắn, quyết liệt, trách nhiệm nhằm “truy vấn” đến cùng vấn đề được chất vấn.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội tranh luận tại Phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Nhớ lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, cử tri bày tỏ ấn tượng với phần tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Theo cử tri Vinh, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai không chỉ tranh luận mà còn tiếp tục tranh luận lại với Bộ trưởng để làm rõ nội dung chất vấn liên quan đến việc triển khai Chương trình mục tiêu về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc khi câu trả lời chất vấn chưa thỏa đáng. Điều này cho thấy bản lĩnh, trí tuệ của đại biểu, xứng đáng là đại diện cho cử tri, nói tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của cử tri. "Phần tranh luận thực sự rất trí tuệ, thể hiện nữ đại biểu có chuyên môn sâu, nắm vững và theo đuổi đến cùng vấn đề chất vấn...", cử tri Lưu Huy Vinh cho biết.

Thường xuyên quan tâm theo dõi hoạt động của Quốc hội, cử tri Hoàng Văn Việt, tỉnh Nghệ An chia sẻ, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung được cử tri quan tâm, mong chờ.

Theo cử tri Việt từ khi có hình thức tranh luận tại các phiên chất vấn, những vấn đề đặt ra, khi còn ý kiến khác nhau, đã được đeo bám đến cùng. Thực tế, đã có những vấn đề được tranh luận “gay gắt” với mong muốn sáng, rõ vấn đề, từ đó thêm thông tin, thêm dữ liệu để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, bất cập được đặt ra. Đây cũng là điều cử tri luôn mong đợi.

Cử tri Hoàng Văn Việt, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An

Nhấn mạnh phương thức tranh luận tại phiên chất vấn đã giúp làm phong phú thêm hoạt động nghị trường, các vấn đề đưa ra được mổ xẻ, nhìn nhận dưới nhiều góc độ, cử tri bày tỏ kỳ vọng phương thức tranh luận sẽ được đẩy mạnh không chỉ trong hoạt động chất vấn mà các hoạt động thảo luận, cho ý kiến tại hội trường để Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.

Dưới góc độ nghiên cứu, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới. Trong đó, yếu tố tranh luận ngày càng được tăng cường, thể hiện rõ nét tính dân chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội tại mỗi kỳ họp.

Cho rằng, tranh luận là phương thức thực hành dân chủ để đạt được sự đồng thuận cao, PGS. TS Doãn Hồng Nhung bày tỏ kỳ vọng, hoạt động tranh luận sẽ tiếp tục được tăng cường tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội, tạo nên văn hóa nghị trường. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện rõ quan điểm, làm rõ, sâu sắc hơn vấn đề được nêu chứ không chỉ là để biết thêm thông tin. Trong quá trình tranh luận, các vị đại biểu cũng sẽ chỉ tranh luận với tư cách là đại diện cho cử tri chứ không phải với tư cách là người đại diện cho ngành/địa phương nơi phát sinh vấn đề tranh luận.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội 

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Quyền nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, tranh luận đang ngày càng được đổi mới thể hiện tinh thần dân chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, cần phát huy vai trò của tranh luận trong cả hoạt động chất vấn cũng như hoạt động lập pháp khi thảo luận tại hội trường. Xác định rõ đối tượng, phạm vi tranh luận trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Tranh luận trong hoạt động chất vấn diễn ra giữa đại biểu Quốc hội và người được chất vấn, không phải tranh luận các đại biểu Quốc hội với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, cho ý kiến các dự án Luật thì các đại biểu có thể tranh luận với các đại biểu khác để bày tỏ quan điểm, chính kiến. Trong trường hợp này, tranh luận chính là quá trình thảo luận sâu, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Nhấn mạnh tranh luận là phương thức để đạt được sự đồng thuận cao, TS Nguyễn Đình Quyền kiến nghị cần chế định đầy đủ, tạo nên văn hóa nghị trường, không sử dụng quyền tranh luận không đúng mục đích, làm “loãng” nội dung tranh luận,... Ngoài ra, để đảm bảo tranh luận có hiệu quả, chất lượng thì vai trò của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định. Do đó, đại biểu Quốc hội cũng cần không ngừng nâng cao năng lực, bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động nghị trường./.

Lê Anh