KIẾN NGHỊ THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ, GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA

08/08/2023

Giá bán than cho sản xuất điện chưa phù hợp; còn khoảng trống pháp lý trong việc mua bán điện; quy định việc thực hiện phát triển điện gió chưa đầy đủ… là những vấn đề được nêu ra tại các buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" với các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGÀNH THAN VÀ DẦU KHÍ.

Giá than sẽ tiệm cận theo giá thị trường.

Theo chương trình, tại Phiên họp tháng 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021". Để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Một trong những nội dung được thành viên Đoàn giám sát quan tâm là các quy định về mua bán điện hiện nay; giá điện cho than; những đề xuất, kiến nghị từ thực tế để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập hiện nay. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo TKV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tạo doanh nghiệp thông tin thêm về việc mua bán điện, giá than cho sản xuất điện. Trước đó, tại Hội thảo Chính sách giá điện và thị trường điện Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra và giải pháp do Đoàn giám sát tổ chức, có ý kiến cho rằng giá điện than ở Việt Nam thấp so với các nguồn điện khác vì có trợ giá.

Thông tin về giá than cho sản xuất điện, ông Hà Văn Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2022, cung cấp than cho điện rất khó khăn, nhưng TKV đã cung cấp than cho điện vượt hơn nhiều so với chỉ tiêu (theo hợp đồng với EVN, PVN, các nhà máy điện khác). Do thực tế thiếu điện, đặc biệt thủy điện ở khu vực phía Bắc nguồn nước về ít nên TKV đã chủ động bằng mọi cách tăng nhu cầu than cho điện. 6 tháng đầu năm 2023, than cấp ngoài hợp đồng thêm khoảng 600.000 tấn để các nhà máy đủ than để chạy các tổ máy nhiệt điện, than cho điện.

Về giá than cho điện, ông Hà Văn Thắng cho biết, hiện nay chủ trương, chính sách vẫn là bao cấp một phần giá than cho điện. Theo quy định của Luật Giá mới, than được đăng ký điều chỉnh giá và chỉ cần tiến hành các thủ tục đăng ký, nhưng TKV đã nhận thức rõ việc tăng giá than cho điện sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến giá điện và trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ số CPI và đời sống của người dân. Do vậy, hiện giá than cho điện đang thấp hơn so với bán cho các loại hình doanh nghiệp khác (bán giá thấp hơn cho xi măng, sản xuất phân bón...). Như vậy, TKV hàng năm cũng gián tiếp giảm 1-3 nghìn tỷ giá bán than cho điện.

Ông Hà Văn Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Theo chính sách năng lượng mới, một trong những giải pháp sắp tới đảm bảo yếu tố thị trường là giá than sẽ tiệm cận dần theo giá thị trường. Như vậy, một mặt TKV sẽ cần xem xét điều chỉnh và thực hiện các biện pháp giảm chi phí đầu vào; đồng thời cân nhắc sự ảnh hưởng chung đối với nền kinh tế để xem xét điều chỉnh giá than phù hợp.

Nếu điều chỉnh tăng sốc, giá điện cũng điều chỉnh tăng theo, trong khi đó EVN khó điều chỉnh giá điện vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất khẩu.

"Giá than cho điện vẫn chưa tiếp cận theo giá thị trường, do vậy TKV và EVN cần tính toán, điều chỉnh mức độ phù hợp, đặc biệt không ảnh hưởng sốc đến CPI, cũng như ảnh hưởng sốc đến các hoạt động khác của nền kinh tế", ông Hà Văn Thắng cho biết.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết: Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã định hướng phát triển ngành than theo hướng: “Thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện... Rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường”.

Theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt và dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu sử dụng than đến năm 2030 tiếp tục tăng; trong đó giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu lớn nhất, xuyên suốt 2021 - 2045 nhu cầu trong nước luôn cao hơn khả năng sản xuất.

Ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam 

Đứng trước những thách thức về nhu cầu trong nước, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài theo định hướng chỉ đạo của Nghị quyết 55-NQ/TW và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia nhằm phát triển bền vững ngành than theo hướng kết hợp sản xuất và thương mại than. Theo đó, tiếp tục thực hiện thăm dò, đẩy mạnh khai thác xuống sâu các dự án, đảm bảo duy trì sản lượng than khai thác các năm khoảng 40-45 triệu tấn. Chủ động nhập khẩu, pha trộn và cung cấp than cho các hộ tiêu thụ đã ký Hợp đồng dài hạn. Duy trì xuất khẩu các chủng loại than có giá trị kinh tế cao mà trong nước không có nhu cầu.

Giai đoạn 2021 - 2025, TKV và các Nhà máy nhiệt điện đã ký Hợp đồng cung cấp than dài hạn. Đối với các dự án BOT việc cung cấp than được thực hiện theo Hợp đồng cung cấp than đã ký kết.

Để đảm bảo cung cấp đủ than cho các Nhà máy điện theo cam kết/Hợp đồng nguyên tắc đã ký đến hết đời Dự án, theo kế hoạch TKV sẽ tiêu thụ khoảng 252 triệu tấn than (bao gồm cả xuất khẩu), trong đó than sản xuất trong nước khoảng 194 triệu tấn và nhập khẩu dự kiến 60 triệu tấn.

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu nên sẽ kéo theo nhiều rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu bình ổn, điều tiết và dự trữ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh dự trữ sản xuất của doanh nghiệp cần xem xét giải pháp lập kho dự trữ than quốc gia với quy mô phù hợp với quy mô sản lượng than nhập khẩu cho từng giai đoạn.

Kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng cho biết, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn: diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; thiếu diện đổ thải, cung độ đổ thải lớn… kéo theo giá thành khai thác than ngày càng tăng. Tuy nhiên, giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước (chủ yếu cho sản xuất điện) chưa phù hợp dẫn đến nhiều dự án đầu tư mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện".

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm, nhu cầu than trong nước tăng cao, trong khi một số dự án mỏ có khả năng khai thác vượt công suất giấy phép khai thác và có giải pháp đảm bảo tác động môi trường nhưng không thực hiện được theo quy định của pháp luật dẫn đến khó khăn cho TKV trong việc đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.

Tuy nhiên, nếu khai thác vượt công suất để đảm bảo than cho điện thì lại vi phạm quy định tại Điều 227 của Bộ Luật Hình sự. Đây là vướng mắc trong thực tế cần phải sửa đổi luật theo hướng giao Chính phủ và các bộ ngành liên quan cấp giấy phép đặc biệt cho TKV khai thác vượt công suất giấy phép khai thác để đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về phía TKV, ông Phạm Thanh Hải, Tổng cũng kiến nghị tới Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan để TKV được phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản để nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cụ thể sửa đổi Khoản 54 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên để được phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản.

Để đảm bảo ngành than ổn định và phát triển lâu dài, cần sớm chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020. Trong đó, trước mắt để đảm bảo nguồn cung cấp than cho sản xuất điện xem xét có cơ chế đặc thù nhập khẩu than từ Lào.

Luật hóa các quy định về mua bán điện.

Về những khó khăn trong việc mua bán điện hiện nay, báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện hợp đồng mua bán điện giữa PV Power và Công ty Mua bán điện chưa được ký kết theo kế hoạch do khung giá phát điện áp dụng cho Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chưa được Bộ Công Thương ban hành và sản lượng điện hợp đồng chưa được thống nhất.

Mặc dù, ngày 15/1/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BCT quy định về việc thực hiện phát triển điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió. Việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi vẫn chủ yếu dựa trên khung pháp lý về điện gió nói chung. Các quy định phù hợp với đặc thù của điện gió ngoài khơi vẫn đang còn là một khoảng trống của khung pháp lý, từ quy trình cấp phép đến tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường xã hội...

Vì vậy, lãnh đạo PVN đã kiến nghị với Đoàn giám sát về việc ban hành cơ chế áp dụng cho dự án điện LNG “được áp dụng sản lượng điện hợp đồng  dài hạn bình quân nhiều năm sử dụng trong tính giá điện đảm bảo hiệu quả đầu tư và dòng tiền trả nợ cho dự án”, để đảm bảo công tác thu xếp vốn, dòng tiền trả nợ cho các dự án điện LNG.

Đồng thời, xem xét, ban hành quy định hướng dẫn về việc giá khí và điều khoản bao tiêu khí được chuyển toàn bộ từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; cũng như đồng bộ các quy định liên quan khác về việc lập kế hoạch, huy động điện…

Ông Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện có nhiều thách thức, khó khăn đảm bảo an ninh năng lượng khi triển khai Quy hoạch điện VIII. TKV, PVN và các doanh nghiệp có nhập khẩu nhiên liệu để phát điện đều mong muốn có một kế hoạch nhập khẩu ổn định. Ví dụ, để nhập khẩu than cần có sự chuẩn bị, có kế hoạch cả năm nhưng khi vận hành theo nguyên tắc thị trường lại không phụ thuộc vào EVN mà phụ thuộc vào nhu cầu hệ thống điện, giá các đơn vị chào, điều kiện thủy văn và cả nguồn điện mới vào vận hành.

Như vậy, câu chuyện phát điện và sự chuẩn bị nhu cầu nhiên liệu không bao giờ đồng nhất với nhau. Điều này có nghĩa là có thời điểm an ninh năng lượng được đảm bảo nhưng có thời điểm gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với những chủ đầu tư trong việc đảm bảo nguồn nhiên liệu nhưng không được phát điện.

Ông Đặng Huy Cường cho biết, trong báo cáo của PVN gửi đến Đoàn giám sát, tất cả các dự án đều liên quan đến việc mua bán điện của PVN và EVN. Các dự án của PVN có nguồn đầu tư lớn đều mong muốn có một cam kết dài hạn về mua bán điện, nhưng quy định về vận hành thị trường hiện nay lại không luật hóa cụ thể về việc có bao tiêu về điện hay không; cũng không quy định cụ thể phải ký hợp đồng trong bao nhiêu năm; không quy định cụ thể nếu giá cao hơn các nguồn điện khác vẫn được phát hiện.

EVN là đơn vị của Nhà nước thực hiện mua điện, trong trường hợp này EVN không thể ký hợp đồng mua điện liên tục và phải cam kết. Đây là quy định và là thách thức đối với các dự án PVN hiện nay cũng các dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai. Trong khi đó Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 dự kiến phát triển khoảng 24.000 MW LNG. Thực tế cho thấy, tại Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu 3-4 năm nay không thể triển khai thêm cũng chỉ vì vướng mắc liên quan đến cơ chế mua bán điện.

Theo ông Đặng Huy Cường, nhìn chung các chủ đầu tư dự án đều mong muốn hợp đồng dài hạn (từ 20 năm), có giá cụ thể, bao tiêu, cam kết chạy đúng sản lượng mong muốn, nhưng điều này lại không đúng với các quy định của vận hành thị trường điện (theo nhu cầu và theo giá điện). Giải pháp cho vấn đề này là thách thức rất lớn đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, nên cần có giải pháp vừa đảm bảo yếu tố thị trường nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng.

"Các dự án lớn, trong quy hoạch điện quốc gia cần được luật hóa cụ thể để đảm bảo tính pháp lý với việc mua bán điện của EVN với các đơn vị cung cấp. Điều này cần quy định cụ thể trong Luật Điện lực hoặc Luật Dầu khí để đảm bảo tính pháp lý", ông Đặng Huy Cường kiến nghị.

Lan Hương

Các bài viết khác