NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI, ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ

04/08/2023

Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt các mục tiêu cụ thể phát triển điện mặt trời, điện mặt trời áp mái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt được mục tiêu đề ra, TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo kiến nghị nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo và các văn bản pháp luật liên quan.

CẢI TIẾN BIỂU GIÁ ĐIỆN PHÙ HỢP VỚI QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐIỆN THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Để để kịp thời điều chỉnh chính sách, hoàn thiện thể chế phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh xem xem xét các báo cáo, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” còn tổ chức các buổi hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của các đơn vị hữu quan, chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề này.

Hội thảo Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Đóng góp ý kiến về phát triển năng lượng xanh, TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp… 

Theo TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), một trong những điểm đáng chú ý của Quy hoạch điện VIII đó là đã đề cập cụ thể đến phát triển điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà. Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Định hướng và phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cũng nêu: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.

Đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất; Đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.

TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Quy hoạch điện VIII cũng nêu tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Trong đó, ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Về cơ cấu nguồn điện, TS. Dư Văn Toán cho biết, Quy hoạch điện VIII  đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW, trong đó điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Định hướng đến năm 2050, điện mặt trời 168.594 - 189.294 MW (33,0 - 34,4%), gấp 13-15 lần so với năm 2030.

Phân tích về lợi ích của điện mặt trời, TS. Dư Văn Toán nêu rõ: suất đầu tư đối với điện mặt trời giảm bình quân trên 10%/năm trong những năm gần đây; Điệm mặt trời làm giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu; Sử dụng điện mặt trời còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hóa khi áp dụng chứng chỉ xanh; Nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng điện lưới, hoặc giảm chi phí tiền điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang, trong khi đó chi phí vận hành và bảo trì thấp.

TS. Dư Văn Toán khuyến nghị lắp đặt mô hình này tại các nơi tiêu thụ điện lớn như trung tâm thương mại, siêu thị, tòa nhà văn phòng.

Về lợi ích của điện mặt trời mái nhà, TS. Dư Văn Toán cho biết việc lắp mô hình điện mặt trời mái nhà dễ dàng, có thể lắp đặt ở các địa điểm hiểm trở khó có thể lắp lưới điện quốc gia. Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ giúp người dùng không bị phụ thuộc vào lịch cắt điện của Nhà nước; dễ dàng lắp đặt, dễ vận hàng, độ bền cao, tuổi thọ sử dụng lâu dài. Đặc biệt, do nguồn điện được lấy trực tiếp từ ánh sáng mặt trời, là nguồn năng lượng sạch, vô tận, không thải ra khí độc hại nào cho môi trường nên giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide.. TS. Dư Văn Toán cũng khuyến nghị lắp đặt mô hình này tại các nơi tiêu thụ điện lớn như trung tâm thương mại, siêu thị, tòa nhà văn phòng...

TS. Dư Văn Toán cũng nêu một số nước điểm của điện mặt trời mái nhà như chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, tuy vậy hiện nay các công nghệ năng lượng mặt trời tại Việt Nam không ngừng phát triển để có thể giảm thiểu chi phí lắp đặt hệ thống. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này. Ngoài chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu diện tích lắp đặt lớn, điện mặt trời mái nhà cũng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, mặc dù các công nghệ sản xuất điện năng lượng mặt trời có thể hấp thụ nhiệt trong những ngày nhiều mây, mưa nhưng hiệu quả chưa đáng kể.

Từ những phân tích ở trên, TS. Dư Văn Toán kiến nghị nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo (Luật Điện mặt trời) và các văn bản khác liên quan; Xem xét cho phép bán điện mặt trời mái nhà qua lưới quốc gia cho EVN hay các đơn vị sử dụng khác; có tiêu chuẩn Công tơ zero export, có công tơ hai chiều, bán khi thừa không dùng… TS. Dư Văn Toán, cũng kiến nghị xem xét cơ chế mua điện mặt trời mái nhà ở khu vực phía bắc là 1.000 đồng/kWh, góp phần thúc đẩy nguồn cung hàng chục GW nguồn, giúp giảm thiểu tình trạng thiếu, cắt điện luân phiên ở miền Bắc như thời gian qua.

Lan Hương

Các bài viết khác