GIÁM SÁT ĐỂ NHÀ Ở XÃ HỘI ĐẾN ĐÚNG NGƯỜI CẦN

26/07/2023

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023". Các chuyên gia và Đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ mang lại đột phá để phát triển nhà ở xã hội đi đúng hướng, tạo hiệu quả trong thực tế trong bố cảnh Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Theo các chuyên gia, để chính sách thực sự tạo hiệu quả trong thực tế, vấn đề tổ chức thực thi là rất quan trọng làm sao để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng.

NGHỊ QUYẾT 90/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

Nhận diện trúng và xử lý đúng

Theo đánh giá, đây là chuyên đề giám sát rất được mong chờ bởi cho dù hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội được đánh giá là cơ bản đầy đủ, thậm chí có nhiều đổi mới mang tính đột phá, nhất là các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế, kết quả vẫn còn rất xa so với mục tiêu.

Nhiều dự án nhà ở xã hội đang được triển khai ( ảnh minh hoạ)

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18.5.2023, trong giai đoạn 2021 - 2025, cả nước mới chỉ hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, trong khi ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1.300.000 căn và giai đoạn 2025 - 2030 cần thêm khoảng 1.300.000 căn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Đã có nhiều lý do đưa ra để giải thích cho thực trạng giữa nhu cầu và thực tế còn khoảng cách khá xa, trong đó, các nhóm nguyên nhân chính là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ cụ thể hơn khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Lê Thanh Hoàn, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, vấn đề mấu chốt là cần giám sát để có chính sách đưa nhà ở xã hội đến đúng đối tượng. Do vậy nội dung giám sát cần tập trung trả lời các vấn đề là ai đang sinh sống ở nhà ở xã hội; tổ chức nào cung cấp; việc trợ cấp, hỗ trợ thế nào; thực trạng quản lý, sử dụng ra sao và mục tiêu, ý nghĩa của chính sách thông qua kết quả đạt được thế nào? Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu thực trạng hiện nay, dù đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song quá trình thực hiện còn khó khăn; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thực tế còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và nhu cầu. Thực tế có trình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi người tham gia quá đông; cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau. Theo đại biểu, để đạt mục tiêu thì phải định hình rõ hệ thống chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi từ chính sách.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Vấn đề nhà ở xã hội, quan trọng nhất vẫn là khâu thực thi đảm bảo phân phối công bằng, đúng đối tượng

Nhà ở xã hội là vấn đề không phải bây giờ mới được quan tâm mà trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, đảng, nhà nước luôn ưu tiên chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, theo KTS Trần Huy Ánh, nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị,  hai vấn đề cần được quan tâm, đó là chất lượng kiến trúc, xây dựng của các dự án nhà ở xã hội và phân phối sao cho công bằng, vì nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu rất lớn. Với các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện nay, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đến chất lượng kiến trúc, xây dựng và hạ tầng dân sinh, không gian sống của người dân, thì chỉ 15-20 năm sau chính quyền đã phải tính đến việc giải quyết các khu nhà đó như thế nào, tương tự hiện nay Hà Nội đau đầu với bài toán chung cư cũ xuống cấp.

Tuy nhiên trước thực tế, gần đây Hà Nội công bố bán nhà ở xã hội của một dự án tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, nhiều người dân xếp hàng từ 2 giờ sáng để đăng ký. Điều đó phần nào cho thấy cách mua/bán nhà ở xã hội vẫn rất lạc hậu; không có hệ thống thông tin dữ liệu số hóa về đối tượng được mua nhà giá rẻ - tiềm tàng nguy cơ bất bình đẳng trong việc thực hiện chủ trương tốt đẹp này.

Theo KTS Trần Huy Ánh, khi nói đến nhà ở xã hội thì bên cạnh người thu nhập thấp đô thị, còn một nhóm đối tượng rất quan trọng là công nhân ở các khu công nghiệp. Theo thống kê của bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở; tức là cần xây dựng ít nhất 700.000 căn hộ; trong khi hiện chỉ có 330.000 công nhân trong các khu công nghiệp có nhà ở giá rẻ tại chỗ, trên diện tích đất 250ha.

Từ thực tế trên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và đề xuất triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp chỉ thành công khi việc tổ chức thực thi đảm bảo khoa học và hiệu quả.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đồng quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, gắn với khu vực sản xuất, bảo đảm đáp ứng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các khu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội là rất đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, rút bài học từ thực tế tổ chức thực hiện, đến nay tỷ lệ lao động trong các khu công nghiệp có thể mua, thuê được nhà vẫn còn thấp. Vẫn còn một lượng lớn lao động phải ở tạm bợ hoặc không có nhà ở. 

Đặt lên bàn cân so sánh, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chúng ta chỉ cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở cho khu vực nông nghiệp nông thôn và người nghèo, nhưng chưa làm được điều tương tự đối với công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp.

Cho rằng vấn đề nhà ở đóng vai trò vô cùng quan trọng, là 'chìa khóa' quyết định đến vấn đề việc làm, vấn đề năng suất lao động, TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị trước hết cần tạo dựng các cơ chế thông thoáng, mở cửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp các khu đô thị. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, đây là tình trạng đáng báo động, cần hết sức lưu ý để phân phối hợp lý, đảm bảo công bằng xã hội.

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này.  Với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, có đến 80 - 90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư.  Kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.

TS. Vũ Minh Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ. Ngoài ra, cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV)  

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Tạ Việt Anh, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV)  cho biết, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân.  Ví dụ, Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân, nổi bật với 80% dân số sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ - một con số vô cùng ấn tượng mà có lẽ rất ít quốc gia hiện nay có thể làm thực hiện. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25%.  Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới. Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc. 

Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hàng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm. Họ có quyền rút ra 1 phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hàng tháng.

Cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân là 1 trong những lý do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác.  Nguyên lý là hầu như mọi người dân sẽ được sở hữu căn hộ khi nghỉ hưu, ngoài ra còn có thêm 1 khoản tiết kiệm; nếu chọn mua nhà ở cùng khu với bố mẹ, giá còn được chiết khấu nhiều hơn nữa. Điều này khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Chính sách vượt trội về nhà ở xã hội đã giúp cho phần lớn người dân Singapore có nhà an toàn để ở.

Ông Tạ Việt Anh cùng các chuyên gia cho rằng, trong vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu, nhưng quá trình thực hiện còn rất nhiều rào cản khiến số lượng công nhân chưa tiếp cận được với các phúc lợi xã hội về nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, cần thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này

Nhà ở xã hội là nhu cầu chính đáng và cấp bách của người lao động, người có thu nhập thấp. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm an sinh xã hội. Cho nên, đây là chuyên đề giám sát được đông đảo các tầng lớp nhân dân kỳ vọng, sau giám sát chuyên đề này, những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là quan điểm, cách tiếp cận vấn đề là bảo đảm chỗ ở hay sở hữu nhà ở xã hội sẽ nhanh chóng được tháo gỡ.

Hải Yến

Các bài viết khác