NGHIÊN CỨU MỞ RỘNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRẺ EM MỒ CÔI CHA HOẶC MẸ

17/04/2023

Sáng 17/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi, trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Theo báo cáo, huyện Lạng Giang hiện có 59.260 trẻ em dưới 16 tuổi. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 631 em, trong đó 25 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, 2 trẻ mồ côi mẹ do dịch Covid-19. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, số trẻ em thuộc diện F0, F1 trên địa bàn huyện là 2.264 trẻ. Một số trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi bố mẹ không có việc làm hoặc tạm thời nghỉ việc, giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại cuộc làm việc

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Lạng Giang Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định: Huyện đã thực hiện đầy đủ các quy định về điều trị, hỗ trợ kinh phí, tiền ăn với trẻ em theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã vận động các doanh nghiệp, người dân ủng hộ thực phẩm và sách vở để tặng cho trẻ em trong các khu cách ly, thăm hỏi, động viên hai cháu bị mồ côi mẹ do dịch Covid-19.

“100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, thụ hưởng các chính sách của Nhà nước như: trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập...”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.

Trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em nói chung, trẻ mồ côi nói riêng, huyện Lạng Giang cũng nêu ra một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, 100% cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã là kiêm nhiệm, nên công tác tham mưu, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn những hạn chế nhất định.

Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thống kê về công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương chưa sâu kỹ, chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đôi khi chưa thường xuyên và chặt chẽ...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Long cho biết, mặc dù huyện còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục - y tế, trong đó ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ em, trẻ em mồ côi

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Lạng Giang có một số trường hợp trẻ mồ côi bố hoặc mẹ, hoặc bố/mẹ bỏ đi không biết thông tin (nhưng khó đề nghị tòa án tuyên bố mất tích), để lại con cho ông bà chăm sóc. Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, các trường hợp này không thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ chi phí học tập, trong khi nhiều gia đình hoàn cảnh ông bà già yếu, điều kiện kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến sự chăm sóc, phát triển của trẻ.

Vì thế, huyện Lạng Giang kiến nghị nghiên cứu mở rộng chính sách với những trường hợp trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, như: trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế, chi phí học tập. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số. Có chính sách phù hợp với đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em trên địa bàn dân cư...

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của huyện Lạng Giang trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi nói riêng, nhất là việc xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đối với sự phát triển của địa phương. Công tác tuyên truyền được chú trọng, tổ chức thường xuyên với hình thức đa dạng.

Đoàn giám sát đề nghị huyện tiếp tục quan tâm tới công tác trẻ em, trong đó có trẻ mồ côi; công tác thống kê trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cần đầy đủ, kịp thời hơn, nắm chắc tình hình từng cháu để có sự hỗ trợ đúng lúc.

“Việc hỗ trợ các cháu không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, trong đó có tính điến hướng nghiệp, việc làm, để các cháu không bị mặc cảm, thiệt thòi. Tập trung bố trí nguồn lực, cả về nhân lực và tài chính. Bởi đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai của xã hội, của đất nước” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

* Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND xã Dương Đức, huyện Lạng Giang.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác