TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 11/4: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024 VÀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

11/04/2023

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 22, 14h00 ngày 11/4 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/4: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

14h00: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp

Phát biểu điều hành nội dung cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tham dự phiên họp có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh. Trước khi tiến hành thảo luận, phiên họp sẽ nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về nội dung này.

14h02: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo dự kiến Chương trình giám sát năm 2024

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận. 

Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện.

Việc xem xét báo cáo của các cơ quan tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo. Hoạt động giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được quan tâm, rút kinh nghiệm, khắc phục trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 như: Việc triển khai một số chuyên đề giám sát có thời điểm có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi được đến cùng vấn đề; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá; việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác ở một số lĩnh vực mặc dù đã có quy định nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên…

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 07 chuyên đề để xin ý kiến các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 05 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tổng Thư ký Quốc hội trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 trong số 05 chuyên đề. Với 04 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

14h20: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang cho biết, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 là một bước đổi mới trong việc xem xét, đánh giá những công việc đã làm và dự kiến cho năm tới.

Trong báo cáo Tổng Thư ký Quốc hội có đánh giá cụ thể 8 nội dung đã triển khai, đối chiếu với 7 hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, 10 hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 6 hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đối chiếu với luật để xem xét thêm về tính toàn diện trong báo cáo cũng như về 8 nội dung đã triển khai và những trọng tâm, trọng điểm như trong báo cáo thì nó đã đảm bảo chưa. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có hai hoạt động không tiến hành xem xét là báo cáo của Uỷ ban Lâm thời và lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đến cuối năm 2023 mới tiến hành nên chưa có báo cáo.

Tuy nhiên, đối với quá trình thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cụ thể hoá chủ trương của Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề có nên bổ sung đánh giá về vấn đề này vào 6 tháng đầu năm 2023 hay không? Bên cạnh đó, về đánh giá chung, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của ưu khuyết điểm cũng chưa rõ hiệu quả của hoạt động giám sát là làm chuyển biến cả nhận thức, hành động, tổ chức thực hiện của các đối tượng chịu sự giám sát. Trong năm 2022, 2023, các hoạt động giám sát đều có tác động rất lớn. Quá trình giám sát thì cũng là quá trình mà Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chuyển biến rất tốt, do đó cần đánh giá thêm về vấn đề này để khẳng định tính hiệu quả.

14h24: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cơ bản đồng tình với các nội dung trong báo cáo đánh giá hoạt động giám sát, báo cáo đã đánh giá được tổng thể, toàn diện, thể hiện rõ những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động triển khai thực hiện giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, hoạt động tích cực của các Tổ công tác đã góp phần nâng cao chất lượng giám sát, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các lãnh đạo Quốc hội đã giúp Đoàn giám sát đi sâu được vào những vấn đề cụ thể, tránh dàn trải. Khi báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã theo dõi sâu sát và đưa ra những ý kiến đánh giá, góp ý rất tích cực và có trách nhiệm. Về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ đồng tình với những nhận định trong báo cáo.

14h28: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình cao với báo cáo và cách làm trong việc nhìn lại kết quả giám sát; việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo. Tham gia một số đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát. 

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại. Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các phiên giải trình, phiên chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. Tuy nhiên cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào? Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc.

Nhấn mạnh, công tác giám sát không chỉ giúp hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn giúp nâng cao năng lực của chính các đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc một nghị quyết đưa ra đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra.

Đối với các nội dung giám sát cụ thể trong báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, 5 chuyên đề giám sát được thể hiện trong báo cáo đều là những vấn đề quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Quan điểm của Ban Công tác đại biểu đã thể hiện thông qua phiếu bầu. Việc lựa chọn 4 chuyên đề giám sát sẽ được thực hiện theo đa số phiếu bầu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

14h35: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Phát biểu góp ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ nhất trí với các nội dung mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa trình bày…

Riêng về 7 chuyên đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ chuyên đề số 7 liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban Xã hội phụ trách, trong báo cáo đã nêu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy cần phải thực hiện giám sát đối với nội dung này thì vẫn có hình thức khác. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đối với nội dung về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hằng năm Chính phủ vẫn phải báo cáo về việc thực hiện chính sách, chế độ chính sách cũng như quản lý và sử dụng quỹ và Ủy ban Xã hội vẫn là cơ quan chủ trì thẩm tra các nội dung này.

14h38: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu

Đồng tình với báo cáo về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề xuất trong năm 2025, Quốc hội tiến hành giám sát nội dung việc thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững SDGs. Năm 2025 đánh dấu 10 năm thực hiện SDGs, vì vậy, Quốc hội nên có tiếng nói đánh giá chung về đóng góp của Việt Nam đối với việc thực hiện các cam kết này.

14h40: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong báo cáo tổng kết của các khoá Quốc hội trước đây đều nhận định công tác giám sát còn hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của khoá XV đã được quán triệt và thực hiện rất tích cực...

Giám sát có nhiều hình thức, công tác giám sát của Quốc hội có nhiều bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực cũng như phương thức giám sát. Những kết quả đạt được đã có trong báo cáo giám sát, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng đánh giá về những hạn chế, vướng mắc còn chưa sâu do đó cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế.

Đối với việc chất vấn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều chọn trúng vấn đề nóng, bức xúc nổi lên được dư luận xã hội quan tâm và kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm. Công tác tổ chức chuẩn bị tiến hành chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng. Sau các phiên chất vấn đều có Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Một trong những dấu ấn nổi bật cho nhiệm kỳ này là việc chuẩn bị cho các phiên chất vấn rất kỹ, trước khi chất vấn có cuộc họp giữa Quốc hội, các cơ quan hữu quan với các cơ quan, qua đó thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với Tòa án, Viện Kiểm sát. 

Đối với hậu giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng, do đó đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

14h45: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá, kết quả đạt được trong việc thực hiện giám sát trong thời gian vừa qua. Với công tác giám sát, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hiệu quả, đưa Quốc hội ngày càng bám sát với thực tiễn đời sống, thực sự xứng tầm với vai trò, ý nghĩa của giám sát tối cao. 

Đối với nhận xét, đánh giá về hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, sau các phiên giải trình, các Ủy ban đều có ban hành văn bản kết luận giải trình để tiến hành công tác hậu giám sát. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm những nội dung đổi mới trong giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đánh giá báo cáo đã nêu đầy đủ về những khó khăn khách quan, tuy nhiên còn mờ nhạt về những tồn tại, hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn, nêu rõ hơn nữa những tồn tại, hạn chế, những nội dung đã có quy định, có chỉ đạo nhưng thực hiện không tốt để có phương án, giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả giám sát.

Về cách thức tiến hành giám sát thực tiễn ở các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần chọn địa điểm khảo sát, giám sát một cách kỹ lưỡng, có trọng điểm, làm rõ những vấn đề cần làm rõ trước khi giám sát, giảm số lần giám sát trùng lặp, qua đó rút ngắn thời gian, tăng tính hiệu quả của việc khảo sát thực tế.

Về việc lựa chọn chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng 5 chuyên đề đều rất quan trọng, tuy nhiên, cần cân nhắc chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, để đảm bảo trình tự hợp lý khi trong năm 2023, 2024, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

14h57: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Đưa ra ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, phương thức giám sát có nhiều đổi mới từ chất vấn, giải trình và cả giám sát văn bản. Do dó, chất lượng giám sát tăng lên, tạo ra hiệu quả rõ rệt.

Đồng tình với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Ngyễn Đắc Vinh khẳng định việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng một cách toàn diện, cả trong cách lựa chọn chuyên đề giám sát, phương thức giám sát như thế này sẽ tạo hiệu quả tốt cho công tác chung của Quốc hội. Khẳng định giám sát là vấn đề hết sức phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, không thể qua giám sát văn bản để nắm vấn đề, việc làm việc trực tiếp với cơ sở là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần tổ chức công việc phù hợp, hợp lý, hiệu quả.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để việc giám sát thực tế phát huy hiệu quả, đòi hỏi công tác chuẩn bị, nghiên cứu văn bản, tổng hợp tài liệu phải thực hiện hết sức kỹ lưỡng, để Đoàn giám sát nắm vững được các vấn đề cơ bản từ trước khi đi khảo sát, để việc giám sát ở địa phương không chỉ là hoạt động hình thức, mà phải đi sâu vào các vấn đề trọng điểm. Thậm chí sau khi chính thức đi khảo sát, còn cần giữ liên lạc với địa phương để tiếp tục theo dõi thêm, đi đến cùng vấn đề. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa nhấn mạnh, việc giám sát thực tế ở địa phương là công tác quan trọng, quyết định chất lượng giám sát, vì thế cần có cách làm hợp lý, khoa học. Khi làm việc với các địa phương, các Tổ, Đoàn công tác cố gắng làm càng chi tiết, càng sâu sát các vấn đề thì càng có hiệu quả cao.

15h00: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, Nhân dân, cử tri ghi nhận.

Báo cáo cũng cần nêu rõ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm xây dựng thể chế và pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã chứng minh tính đúng đắn trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo, bởi có lúc, có nơi vẫn chưa sâu sát trong hoạt động giám sát, nhất là tính phản biện trong hoạt động giám sát càng cao, càng kiến tạo phát triển phục vụ cho trước mắt và lâu dài; một số kiến nghị giám sát chuyên đề chưa sâu sát, thiếu thực tiễn, tính khả thi chưa cao; việc cử tổ công tác xuống địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cần giảm bớt phiền hà cho địa phương.

Về hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tổ chức hoạt động này, nhất là những vấn đề mới nổi lên. Công tác chuẩn bị tổ chức cần kỹ lưỡng hơn; đồng thời nghiên cứu sau các phiên giải trình, chất vấn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ban hành kết luận hay không? Trong báo cáo cũng cần đánh giá thêm công tác phối hợp bên trong với các cơ quan của Quốc hội, vai trò của các cơ quan như kiểm toán, thanh tra…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát, đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng để lựa chọn đúng, trúng với thực tiễn cuộc sống…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần khoanh phạm vi giám sát lại cho hẹp hơn, để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát.

15h24: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay Ủy ban phụ trách việc thẩm tra một số luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng,… khối lượng công việc rất nhiều, nếu gộp chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và chuyên đề về một số dự án quan trọng quốc gia thành một chuyên đề và phải báo cáo giữa năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các nội dung đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao.

15h28: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày. Về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nhấn mạnh những ưu điểm nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bên cạnh đó, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó để làm tốt các nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024. Đồng thời, biên tập lại phần đánh giá chung cho khái quát về những nội dung đã được Chủ tịch Quốc hội gợi ý (nội dung bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình mà Quốc hội đã quyết định; giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và coi việc hoạt động giám sát của Quốc hội là trọng tâm…). 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc, bất cập thật rõ ràng; giá trị lý luận và giá trị thực tiễn mang lại qua hoạt động giám sát như thế nào; công tác điều phối, công tác chuẩn bị, huy động lực lượng, công tác phối hợp, phương pháp công tác của từng lực lượng… Ngoài ra, việc theo dõi các kiến nghị sau giám sát cũng cần phải có kế hoạch, thực hiện giám sát lại, giám sát đến cùng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ bản các ý kiến đều thống nhất với các chuyên đề mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất lựa chọn. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp này, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với các Ủy ban liên quan hoàn thiện nội dung, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đồng thời hoàn thiện Báo cáo, dự kiến Chương trình và dự thảo Nghị quyết kèm theo…

16h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành nội dung về xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Phát biểu điều hành nội dung về xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tham dự phiên họp về nội dung này có đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp. Trước khi tiến hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên họp sẽ nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về nội dung này.

16h01: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo quy định của Nghị quyết số 560 về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Thông qua hoạt động giám sát, các cơ quan đã đánh giá việc tuân thủ các quy định về ban hành văn bản quy định chi tiết; thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành và nội dung, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; phát hiện văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được ban hành, văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát trong các Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, về cơ bản, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2021. Tuy nhiên, việc nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong một số luật như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Dược; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, theo báo cáo của các cơ quan Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có 01 nghị định ban hành chậm hơn 10 tháng, 01 thông tư ban hành chậm 11 tháng…

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu rõ, về việc tuân thủ quy định về thẩm quyền ban hành, hình thức văn bản, trình tự, thủ tục và căn cứ pháp lý ban hành văn bản, qua giám sát cho thấy, vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết chưa tuân thủ về hình thức văn bản, về thẩm quyền ban hành, vẫn còn tình trạng ủy quyền tiếp trong văn bản quy định chi tiết là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá chung kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp và đạt được kết quả đáng khích lệ, qua giám sát đã phát hiện một số văn bản ban hành chậm, văn bản có nội dung chưa phù hợp với hệ thống pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2022 còn có một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung giao trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục triệt để, trong đó có những nội dung đã được kiến nghị từ những lần giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có: việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp còn chưa nghiêm; việc xử lý tình trạng chậm ban hành văn bản, khắc phục việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, sửa đổi văn bản có nội dung chưa phù hợp, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham mưu trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, chưa được quan tâm đúng mức...

Để nâng cao hiệu quả công tác này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc dự thảo văn bản quy định chi tiết và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; tăng cường việc quy định trực tiếp các nội dung điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết, hạn chế việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết cho các cơ quan ban hành.

16h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nghe báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; và là lần đầu tiên nghe báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan theo Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15. Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đều có báo cáo riêng gửi Tổng Thư ký Quốc hội theo Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn chỉnh để gửi các đại biểu Quốc hội.

Số liệu báo cáo lấy từ 01/1 đến 31/12 theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chỉ đạo trong quá trình soạn thảo Nghị quyết. Đây là Nghị quyết có tính chất “cầm tay chỉ việc” cho nên hệ thống hóa tất cả các quy định, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như các quy chế, quy trình…

Báo cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng đã thực hiện và có nhiều kết quả cụ thể được tổng hợp trong báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thêm việc tổng hợp đã phản ánh hết tình hình các cơ quan trong báo cáo của các cơ quan chưa? Qua đó hoàn thiện báo cáo chung để báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

16h23: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Tham gia phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo đã tổng hợp đầy đủ kết quả thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc cũng như các Ủy ban của Quốc hội. Báo cáo cũng nêu rõ kết quả thực hiện công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, các đơn vị chịu sự giám sát, đặc biệt cụ thể trong việc cung cấp số liệu về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội trong công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tạo ra áp lực đáng kể góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ, một số cơ quan chưa chuyển biến đúng theo tinh thần của Nghị quyết 560. Theo tinh thần của Nghị quyết 560, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải tiến hành thường xuyên, trở thành nền nếp. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động tiến hành giám sát, tổng hợp và theo dõi sát sao hệ thống văn bản, đảm bảo tính chủ động, tính thường xuyên, có tác động sớm đối với các văn bản ban hành trái pháp luật, hoặc tình trạng chậm ban hành văn bản... không đợi đến cuối năm mới tiến hành tổng hợp, thống kê, hay yêu cầu bộ, ngành báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cách làm chủ động, tích cực như vậy đang phát huy được hiệu quả, góp phần mang đến những tác động kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

16h32: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đại biểu xem xét đề mục pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp chia rất cụ thể cây thư mục. Mặc dù lĩnh vực giáo dục thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhưng Ủy ban Pháp luật giám sát vì liên quan đến công chức, viên chức. Do có bộ đề mục pháp điển nên chia thành các mục khác nhau nên có phân công cụ thể hoạt động giám sát.

Tương tự, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thời gian vừa qua đã giám sát toàn bộ văn bản của khóa XIII, làm việc với Tòa án, Viện kiểm sát và phát hiện ra một số vấn đề; Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã kiến nghị sửa đổi một số nội dung sau khi giám sát.

16h34: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo: Tiếp tục hoàn thiện báo cáo gọn hơn, khái quát hơn, sâu sắc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong năm gần đây, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác này chưa thành nề nếp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 để hướng dẫn về công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, trên cơ sở Nghị quyết số 560, với nhiều nỗ lực cố gắng của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hiệu quả triển khai công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật là khá tốt.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay, báo cáo đầy đủ đang có chiều hướng tích hợp báo cáo của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, những nội dung về phân tích, đánh giá có chiều sâu còn chưa đậm nét. Tuy nhiên, báo cáo tóm tắt được thực hiện khá tốt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo đầy đủ cần được chỉnh sửa lại cho tốt hơn, đảm bảo có phân tích, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng, chi tiết, rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo gọn hơn, khái quát hơn, sâu sắc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý bên cạnh kết quả giám sát văn ban của Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thì cơ quan chủ trì chắp bút báo cáo này nên tổng hợp với kết quả rà soát văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cũng như kết quả rà soát của Bộ Công an đề nghị hoàn thiện pháp luật để bảo đảm đầy đủ cho báo cáo để từ đó gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban của Đảng, Tòa án, Viện kiểm sát, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh có như vậy giám sát mới có giá trị. 

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, qua giám sát cho thấy có văn bản chậm ban hành đến 8 năm, chứng tỏ từ lâu không có rà soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những văn bản chậm cũng cần đưa vào báo cáo để bảo đảm khách quan. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ “mình phải soi mình trước, mình phải tự sửa trước, thấy sai phải sửa thì mới tiến bộ được”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các hạn chế được chỉ ra chủ yếu là chậm, thiếu và một số Ủy ban phát hiện được một số vấn đề là trái quy định pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên đi sâu vào một số văn bản nổi lên từng thời kỳ. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế phải làm rõ ban hành từ khi nào mà gây ra vướng mắc như thế? Và vì sao để sửa chậm như thế? Có những vấn đề rất bức xúc với đời sống xã hội, kinh tế - xã hội như một số nghị định vừa ban hành trong lĩnh vực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách vừa sửa xong lại phải sửa lại như Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp.

Ghi nhận giá trị của kết quả giám sát văn bản, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu làm kịp thời hơn, tập trung vào một số các văn bản có tính chất cá biệt nổi lên, làm rõ trách nhiệm, từ một vài trường hợp cụ thể có tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ thống. Báo cáo cũng cần biểu dương những nơi nào, ngành nào làm tốt; nơi nào làm chưa tốt cũng cần nêu để rút kinh nghiệm, khi đó kết quả giám sát mới có tác dụng. Nhấn mạnh năm nay đã làm tốt rồi, năm sau cố gắng làm tốt hơn đi vào nề nếp hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện báo cáo để gửi đại biểu Quốc hội.

16h46: Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu 

Phát biểu góp ý kiến về Báo cáo Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần thống kê lại những văn bản ban hành bị vướng mắc. Đồng thời đề nghị, đối với nội dung về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, cần bổ sung thêm nguyên nhân do việc đánh giá tác động và thiết kế chính sách chưa thật khách quan và công tác thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa thật nghiêm.

16h50: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá rất cao báo cáo giám sát văn bản pháp luật lần này. Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ về lĩnh vực này, Bộ Tư pháp nhận thức rất rõ rằng, công tác xây dựng pháp luật có ý nghĩa rất quan tọng. Muốn xây dựng pháp luật tốt đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan.

Trong báo cáo có nêu rõ, do đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 560, nên các cơ quan giám sát đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau, không thống nhất đối với cơ quan chịu báo cáo, dẫn tới hình thức chia sẻ, trình bày báo cáo, truyền gửi thông tin là không thống nhất, dẫn đến gây khó khăn cho cơ quan chịu báo cáo. Vì vậy, cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện giám sát của các cơ quan để công tác này được thực hiện một cách đồng nhất và hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị sau quá trình hoàn thiện báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản kết luận chính thức gửi tới các cơ quan hữu quan, để truyền tải đầy đủ tinh thần và có cơ sở vững chắc cho các cơ quan triển khai công tác, phối hợp trong tổng hợp thống kê, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

16h55: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các báo cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; kết quả công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2022 đạt được kết quả tốt, ngày càng trở thành hoạt động thường xuyên.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc đồng bộ, có con số, nội dung cụ thể, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Việc giám sát kết hợp với các cuộc giám sát khác, thông qua giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã chỉ ra hạn chế, gắn với các đề xuất cụ thể. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khắc phục được tồn tại hạn chế và đã sửa đổi bổ sung.

Đây là năm đầu thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nên còn một số hạn chế, như việc thực hiện chưa thống nhất, chưa kịp thời, một số văn bản thực tiễn cuộc sống đòi hỏi hoặc thực tiễn bức xúc chưa được giám sát, chưa có ý kiến của cơ quan của Quốc hội.

Sau kỳ giám sát lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 năm 2022, coi đây là hoạt động thường xuyên. Ngoài ra cần thực hiện đúng quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và các văn bản pháp luật liên quan; gắn với việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; thực hiện tốt các Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023; Thông báo số 1559 ngày 18/10/2022.

Sau phiên họp này, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì với các cơ quan: Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo đảm bảo có tầm khái quát, có tính tổng hợp, bao quát và có những nhận định, đánh giá, phân tích, có phụ lục kèm theo…

Sau khi hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gửi Chính phủ, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, các cơ quan liên quan và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, có thể dùng tài liệu này để thảo luận tại phiên họp Quốc hội.

17h03: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ sau 2 ngày làm việc khẩn trương tích cực, phiên họp thường kỳ tháng 4/2023, phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với 8 nội dung. Trong đó 3 nội dung thảo luận cho ý kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 tới gồm dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 và cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4 và cho ý kiến về nội dung chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV. Đồng thời cũng đã xem xét cho ý kiến về quyết định 4 nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: quyết định về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội; xem xét cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đối với từng nội dung cụ thể đã có kết luận cụ thể và đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm phối hợp với các cơ quan để trình ban hành ngay cả kết luận để cho các cơ quan có căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện. 

Nêu rõ, phiên họp thứ 22 là một phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho các nội dung của Kỳ họp thứ 5 với khối lượng công việc nhất là công tác lập pháp là rất lớn trong khi quỹ thời gian còn rất ngắn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc họi và Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội bám sát chương trình dự kiến đã được thông qua để tiến hành các hoạt động của từng cơ quan và đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện. 

Chủ tịch Quốc hội chỉ ra tình trạng chậm gửi tài liệu đến phiên họp và đề nghị các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

Cho biết bắt đầu từ ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt nguyên tắc chung là khẩn trương, nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan hữu quan bảo đảm cho các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội