ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI BÌNH ĐỊNH
Đoàn giám sát làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Báo cáo tại cuộc làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Địnhcho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thông tin, tuyên truyền đến cử tri và nhân dân; chủ động theo dõi, nắm tình hình triển khai thực hiện; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, phụ huynh học sinh...
Theo Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh, trong quá trình triển khai giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan thông tin, truyền thông... để lắng nghe khách quan, nhiều chiều, tiếp thu nhiều ý kiến từ các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đánh giá cao việc triển khai Chương trình tại tỉnh Bình Định
UBND tỉnh Bình Định đã thường xuyên quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chỉ đạo, triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh sớm, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và bước đầu đạt kết quả tốt.
Đến nay cơ sở vật chất được ưu tiên đầu tư; trang thiết bị được mua sắm bổ sung đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc lựa chọn sách giáo khoa được triển khai, hướng dẫn cụ thể và được thông tin đầy đủ, thực hiện lấy ý kiến công khai, tạo sự đồng thuận cao; tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn công phu, thẩm định kỹ lưỡng, phát hành kịp thời và đưa vào giảng dạy cơ bản đúng theo lộ trình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị làm rõ hơn các kiến nghị đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Tại cuộc làm việc, Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định cũng cho biết, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp được tập trung thực hiện đầy đủ. Biên chế giáo dục được rà soát bổ sung phù hợp; trong tuyển dụng đã quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng. Đặc biệt tỉnh Bình Định đã chủ động, tích cực phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đến nay, tất cả các trường đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu
Về lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương, bên cạnh những thuận lợi nhất định cũng có một số khó khăn đối với giáo viên và Hội đồng chọn sách như: khi tập huấn về bộ sách giáo khoa thì số lượng sách mẫu cung cấp quá ít, giáo viên chủ yếu được giới thiệu sách qua trực tuyến nên thời gian nghiên cứu không nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng lựa chọn sách giáo khoa.
Một số nội dung hoạt động trải nghiệm được biên soạn trong sách giáo khoa chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Kinh phí nhà trường còn hạn hẹp, trong khi công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên việc đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài nhà trường, các câu lạc bộ còn hạn chế và thiếu giáo viên có chuyên môn, sở trường phù hợp đảm nhiệm công tác này.
Việc cung ứng tài liệu giáo dục địa phương đối với khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm 2022 chưa kịp thời, nguyên nhân một phần do vướng quy định về giá nên quá trình thẩm định kéo dài, chậm, ảnh hưởng đến chương trình và bị động trong nghiên cứu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.
Cùng với đó, quy định việc các Hội đồng trường phải thực hiện lựa chọn sách giáo khoa cho từng trường làm giáo viên mất nhiều thời gian để nghiên cứu, lựa chọn sách, đồng thời hạn chế trong trao đổi chuyên môn giữa các đơn vị trường với nhau. Một số phụ huynh chưa nắm vững thông tin, tâm lý nôn nóng, lúng túng nên dẫn đến mua không đúng sách giáo khoa, tài liệu được Hội đồng trường chọn; một số trường hợp học sinh chuyển trường phải thay đổi, mua lại sách giáo khoa mới. Việc kế thừa, tái sử dụng sách giáo khoa nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội, giảm chi phí mua sách mới cho các hộ gia đình còn hạn chế.
Đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay vẫn còn thiếu. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu giáo viên bộ môn năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không có nguồn để tuyển dụng (theo quy định giáo viên phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên); hoặc có giáo viên nhưng không thể đảm nhận giảng dạy tích hợp cùng lúc 2 môn năng khiếu. Phần lớn giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn; tuy đã được bồi dưỡng dạy môn tích hợp nhưng nhiều giáo viên vẫn rất khó khăn, lúng túng trong giảng dạy, chất lượng giảng dạy chưa cao. Hiện có 3/9 mô đun (mô đun 6, 7, 8) theo chương trình mới chưa triển khai tập huấn cho giáo viên. Một số giáo viên mới được tuyển dụng chưa được đào tạo dạy môn tích hợp nên chưa thể bố trí giảng dạy Chương trình mới, phải bố trí dạy các khối lớp cuối cấp.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh báo cáo với Đoàn giám sát
Đối với khối lớp 10, có môn được nhiều học sinh chọn, trong khi đó có môn học sinh chọn quá ít nên xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường, dẫn đến công tác sắp xếp nhân sự của nhà trường gặp khó khăn. Qua giám sát, một số giáo viên có tâm trạng lo lắng vì sợ học sinh không lựa chọn môn học mà mình phụ trách. Việc học sinh có nguyện vọng đổi môn học cũng gây khó khăn trong tổ chức giảng dạy cho nhà trường.
Từ thực tế nêu trên, tỉnh Bình Định kiến nghị với Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra và thực hiện giải pháp giảm giá sách giáo khoa; đồng thời có chính sách hỗ trợ giá sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ kinh phí cho các trường phổ thông mua sách trang bị đầy đủ vào thư viện để học sinh học tập và tham khảo.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất các trường học trên cả nước để sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục xem xét bố trí vốn để thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.
Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định hoàn thiện báo cáo đầy đủ hơn, nêu rõ các kiến nghị và đề xuất những giải pháp từ thực tiễn địa phương, tập trung vào các nhóm giải pháp về xây dựng chính sách, pháp luật, nhóm giải pháp về quản lý nhà nước, triển khai thực hiện và nhóm giải pháp về đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.