ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK TẠI TRƯỜNG THCS LÊ VĂN THIÊM
Sáng 14/2, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc làm việc của đoàn giám sát 06 (Đoàn ĐBQH tỉnh) với UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng dự cuộc làm việc.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc làm việc.
Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 nhằm triển khai cụ thể Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với cấp giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12); trong đó, lấy đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông làm trọng tâm. Ngày 21/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ năm 2018.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Với sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh và toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được triển khai tại Hà Tĩnh khá bài bản, theo đúng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và cơ bản đạt hiệu quả theo mục tiêu của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Quá trình triển khai thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhận thức về các chủ trương đổi mới giáo dục đào tạo, nhất là việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được nâng lên.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.
Chính quyền địa phương các cấp vào cuộc, quan tâm đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học; chỉ đạo thực hiện đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vẫn còn một số tồn tại.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ phát biểu tại cuộc làm việc.
Cụ thể, giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh Hà Tĩnh còn thiếu; giáo viên THCS thừa thiếu cục bộ, bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đồng đều giữa các địa phương, trường học; thiếu giáo viên dạy các môn âm nhạc, mĩ thuật cấp THPT; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn một số địa phương còn thấp; việc triển khai dạy học các môn tích hợp còn khó khăn.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ĐBQH đoàn Hà Tĩnh tham gia ý kiến việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập trường lớp còn nhiều bất cập, quá tải về số lớp và sĩ số học sinh/lớp; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; SGK được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng; một số nội dung cách viết quá ngắn gọn làm học sinh khó hiểu và khó giải thích vấn đề; giá SGK cao hơn với SGK chương trình cũ; tài liệu giáo dục địa phương còn chậm phát hành…
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp giải trình một số vấn đề liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để phân tích, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết: Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là chương trình lớn, đánh dấu sự phát triển của nền giáo dục hiện đại, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng các văn bản trên từng lĩnh vực để hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo, viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá: Trong những năm qua, GD&ĐT Hà Tĩnh có bước phát triển khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục toàn diện duy trì ổn định và phát triển, giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên, giáo dục ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng.
Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị UBND tỉnh và ngành GD&ĐT tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn; khuyến khích hình thức hệ thống giáo dục ngoài công lập; có kế hoạch sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên phù hợp; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục...
Với các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, đoàn giám sát sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội trong tổng thể đợt giám sát trên toàn quốc, từ đó có những điều chỉnh quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.