ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

08/02/2023

Sáng 08/02, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với huyện Đại Lộc về thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI TP.HỘI AN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: X.P

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng và Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND huyện Đại Lộc, toàn huyện có 58 trường học gồm 21 trường mầm non, mẫu giáo (19 trường công lập, 2 trường ngoài công lập), 16 trường tiểu học, 13 trường THCS, 4 trường tiểu học và THCS, 4 trường THPT. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-DT, UBND tỉnh và yêu cầu của chương trình.

Cụ thể, địa phương đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo về phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học; bố trí đủ giáo viên biên chế, hợp đồng, phân công dạy học liên trường nhằm thực hiện dạy đúng dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học; tham gia lựa chọn, cung ứng SGK đảm bảo cho việc học tập và giảng dạy. Từ đó, giúp học sinh được tiếp cận với chương trình mới, SGK mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Tuy nhiên, qua triển khai còn một số tồn tại, hạn chế như việc thừa thiếu cục bộ giáo viên ở cấp THCS, THPT, đặc biệt là thiếu giáo viên ở cấp tiểu học đã ảnh hưởng đến việc dạy học ở các trường; kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại chưa đảm bảo.

Đại diện huyện Đại Lộc nêu ý kiến tại cuộc làm việc. Ảnh: X.P

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông mới, địa phương cho rằng đảm bảo phù hợp với yêu câu nâng cao trình độ dân trí, cập nhật được những kiến thức mới, hiện đại. Chương trình tổng thể, chương trình chi tiết môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo tính liên thông, đã tinh giản các kiến thức hàn lâm, tăng tính thực hành và tăng nội dung thực tiễn, thể hiện được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Chương trình có tính mở nên tạo điều kiện triển khai một cách linh hoạt theo điều kiện của mỗi địa phương.

Về SGK, trên cơ sở danh mục được Bộ GD-ĐT phê duyệt hằng năm, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các hội đồng lựa chọn SGK đảm bảo phù hợp với học sinh của địa phương. Nội dung, kênh hình, kênh chữ SGK phù hợp với đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, một số môn như Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gặp khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện để giảng dạy. Ở khối lớp 1, lượng kiến thức và yêu cầu cần đạt đối với học sinh ở học kỳ 1 quá nặng trong khi chương trình cấp mầm non chưa thay đổi, các em chưa quen với hoạt động học ở bậc tiểu học.

Từ những tồn tại đó, địa phương kiến nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư kinh phí cho ngành giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học; phân bổ đủ biên chế theo định mức quy định và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình, SGK; có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình mới.

Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK, nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

(Theo Báo điện tử Quảng Nam)