Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: 109 dự án chậm tiến độ không thể đổ hết cho cơ chế
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục đích cao nhất của giám sát là để đánh giá khách quan, toàn diện, trung thực việc ban hành văn bản, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được biểu hiện ở tất cả các mặt trong đời sống xã hội, tuy nhiên, nội dung Đoàn giám sát chỉ tập trung vào lĩnh vực công với 7 nội dung đã nêu trong Kế hoạch.
Trong giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 41 văn bản chỉ đạo, điều hành về vấn đề này. Số tiết kiệm ngay trong dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là hơn 557 tỷ đồng. Cơ bản các dự án mới được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục được việc đầu tư dàn trải. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh xử lý 63 dự án đầu tư kéo dài nhiều năm, không hiệu quả do cấp tỉnh quản lý. Trong giai đoạn này, có 01 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng với diện tích 1,88 ha.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát
Tổ công tác đề nghị làm rõ trách nhiệm việc tham mưu, ban hành chậm các chương trình THTK,CLP. Việc lập dự toán chi NSNN hàng năm không sát, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực. Còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế kéo dài, gây thất thu ngân sách. Từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lựa chọn gần 6.200 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định, đề nghị tỉnh báo cáo rõ việc rà soát, cắt giảm quy mô tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai để quyết toán đối với 63 dự án có thời gian thực hiện kéo dài, không đảm bảo khả năng cân đối vốn.
Phát biểu ý kiến, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị: ”Ninh Bình cần rà soát tổng thể, đánh giá hiệu quả tất cả các dự án sử dụng nguồn lực đầu tư công. Số thu từ đất để lại cho cấp huyện tương đối lớn, trong khi cấp tỉnh chỉ có 11,6%, khi để lại cấp huyện như thế thì có thực tế là đầu tư giàn trải, cấp huyện có những năm đầu tư không hết, trong khi đó cấp tỉnh có dự án lại thiếu vốn".
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội
Bày tỏ quan điểm, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng số dự án phải hủy thực hiện so với quy hoạch, kế hoạch là 765 dự án, mà báo cáo của Tỉnh đã nêu là việc triển khai thực hiện quá 3 năm dự án treo không thực hiện được. Vấn đề này vừa liên quan đến điều chỉnh uqy hoạch sử dụng đất đai, vừa gây thất thoát lãng phí, đồng thời gây khó khăn cho người dân
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị tỉnh báo cáo thêm việc kiểm soát chi khi có những dự án đã được quyết định bố trí vốn đầu tư, giải ngân nhưng lại không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Theo ông Bùi Đức Thụ - chuyên gia của Đoàn giám sát, vừa qua, số dự án thuộc diện bị cắt giảm cũng lớn - 63 dự án, đình hoãn lại, hoàn thành cũng có nhưng dẫn đến độ dàn trải, mất cân đối về nguồn. Đề nghị UBND tỉnh cần báo cáo thêm số dự án vượt quá thời gian quy định, hướng khắc phục như thế nào?
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh báo cáo rõ nguyên nhân việc chuyển nguồn khá lớn, dự toán, cân đối nguồn lực không đạt trong khi nguồn thu trong giai đoạn vừa qua lại khá cao. Cùng với đó, những vấn đề khác như: việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, quản lý tài sản công, sắp xếp các trụ sở; vấn đề quản lý nguyên nguyên khoáng sản, quản lý đất đai sau cổ phần hóa; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng được đặt ra trong khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin chi tiết nội dung buổi làm việc.