ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH ĐẮK LẮK VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TẠI NÔNG, LÂM TRƯỜNG

22/08/2018

Sáng 21/8, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Về phía tỉnh, có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Các Đại biểu tham dự buổi làm việc

Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có 758.127,5 ha đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường, chiếm 58,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích đất đang được sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp 725.906,4 ha, đất phi nông nghịêp có 5.199,4 ha, đất chưa sử dụng có 27.021,7ha.

Trước khi thực hiện việc rà soát, sắp xếp các tổ chức, trên địa bàn tỉnh có 56 tổ chức có nguồn gốc là các nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng 527.986,2 ha. Bao gồm 32 công ty nông nghiệp, 15 công ty lâm nghiệp, 6 Ban quản lý rừng, 1 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 vườn Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 46 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng phải sắp xếp, đổi mới. Đến nay, phương án sắp xếp, đổi mới 46 công ty này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Hiện nay đã có 10 công ty hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, giải thể theo phương án đã phê duyệt. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 7.939,2 ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng bàn giao về địa phương quản lý theo quy định. Cùng thời điểm trên, trên địa bàn tỉnh phát sinh 7 vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường tại các điạ phương như huyện Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana.

Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Xem xét, hỗ trợ kinh phí 232 tỷ đồng cho tỉnh để đo đạc, lập bản đồ địa chính, cắm mốc hồ sơ ranh giới với diện tích khoảng 428.969 ha, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện dự án di dân ngoài kế hoạch tại địa phương; Cho phép các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc là các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xóa tiền nợ thuê đất đối với diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên;   Cấp phép chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp nhưng hiện trạng không còn rừng hoặc không có khả năng phục hồi rừng; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chế tài vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự với chủ đầu tư.

 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác quản lý đất đai tại các nông lâm trường thời gian vừa qua. Đồng thời đề nghị địa phương phối hợp với các công ty nông, lâm trường thực hiện rà soát, kiểm tra, giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường; Tiếp nhận và có phương án sử dụng qũy đất phù hợp, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Hiện nay, Đắk Lắk chịu tác động bởi làn sóng di dân tự do, quá trình quản lý đất có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm xây dựng Đề án quản lý đất đai tại các nông, lâm trường theo giai đoạn lộ trình cụ thể, khắc phục tồn tại đã được đề cập tại buổi làm việc, tăng cường thanh, kiểm tra vi phạm trong lấn chiếm đất đai, sử dụng đất chưa hiệu quả của nông, lâm trường. Đoàn sẽ tiếp thu kiến nghị và tiến hành thống nhất lại với Bộ, ngành liên quan để điều chỉnh chính sách còn nhiều bất cập./.

(Cổng Thông tin điện tử Đắk Lắk)