Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Thực hiện chương trình và kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm như sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuổi khép kín; sản xuât, kinh doanh thực phẩm chức năng, đồ uồng; bếp ăn tập thể khu công nghiệp/dịch vụ ăn uống; vùng sản xuất rau an toàn; quản lý thuốc bảo vệ thực vật; chợ, siêu thị; sản xuất thực phẩm truyền thống; cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở, viện nghiên cứu, kiểm nghiệm thực phẩm. Đoàn giám sát cũng đã làm việc với 03 Bộ có trách nhiệm liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm họp phiên toàn thể lần thứ 3
Theo báo cáo kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát, trong giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Các địa phương đã ban hành hơn 1250 văn bản quy phạm pháp luật nhằm chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với Luật an toàn thực phẩm, nhiều văn bản pháp luật khác cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Hiến pháp, Luật thú y, Luật bảo vệ thực vật, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư, Luật ngân sách nhà nước, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hưởng dẫn thi hành đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên trong một số trường hợp việc xây dựng luật chưa sát với thực tế nên không ít quy định chưa bảo đảm tính khả thi như quy định về việc cấp giấy chứng nhận hợp quy, điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa sát đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mức xử phạt trong Bộ luật hình sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa được lượng hóa; Luật thanh tra chưa quy định hướng dẫn cụ thể về thanh tra đột xuất; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định về tiếp nhận công bố hợp quy… Một số quy định trong nghị định, thông tư hướng dẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa thực sự phù hợp. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm quá nhiều nhưng không được pháp điển hóa nên gây khó khăn khi tra cứu, áp dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh như về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa tiệt trùng cũng cần tra cứu không dưới 25 văn bản quy phạm pháp luật với 6 luật, 6 nghị định, 13 thông tư hướng dẫn liên quan đến 09 thủ tục hành chính, 05 cơ quan quản lý nhà nước chưa kể đến các lĩnh vực khác như xử lý vi phạm hành chính, quản lý thị trường, môi trường…
Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đánh giá, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm bộc lộ không ít những tồn tại yếu kém; tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động – giới hạn đỏ. Số vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong 5 năm qua là 678.755 cơ sở vi phạm chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thực tế. Ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Từ 2011 đến tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mặc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát tán thành với nhiều nội dung tổng hợp và đánh giá của Dự thảo báo cáo; đồng thời kiến nghị bổ sung nội dung liên quan đến xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; các giải pháp cần được đề xuất một cách cụ thể, chi tiết, có tính khả thi cao.
Thành viên Đoàn giám sát GS.Trần Đáng nhấn mạnh, báo cáo kết quả giám sát phải chỉ ra được cốt lõi của thực trạng là vấn đề ô nhiễm thực phẩm; vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng; ngộ độc thực phẩm và các bênh truyền qua thực phẩm; thị trường thực phẩm chức năng chứa nhiều nguy cơ khi sản phẩm tung ra thị trường nhưng không được kiểm soát chất lượng. GS.Trần Đáng cho biết, bên cạnh các nguyên nhân về quy trình sản xuất, công nghệ nuôi trồng, chăn nuôi, vấn đề quy hoạch sản xuất, chế biến và môi trường ô nhiễm thì nguyên nhân chủ quan là do nhiều nội dung chính sách, pháp luật chưa chính xác, đúng với thực tiễn và lý luận. Cụ thể như nhiều định nghĩa, nội dung trong Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP và một số thông tư hướng dẫn chưa chính xác về mặt khoa học, không ban hành được các tiêu chuẩn sản phẩm; các quy định về quản lý còn chồng chéo; tổ chức thực hiện, phân công phân nhiệm còn yếu kém. Trên cơ sở đó, báo cáo kết quả giám sát cần nêu tình hình thực tiễn, đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân ngắn gọn, súc tích; đồng thời bổ sung nội dung thực trạng về thuốc lá bởi đây cũng là một dạng thực phẩm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh, cần nghiên cứu để đề ra một số chỉ tiêu định lượng có tính định hướng lớn trong phần đề xuất kiến nghị của báo cáo như đưa ra chỉ tiêu về diện tích sản xuất thực phẩm được áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến; tỉ lệ các cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ tiêu giảm ngộ độc thực phẩm và lộ trình thực hiện các chỉ tiêu nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm hiệu quả, thực chất.
Ghi nhận các nội dung xác đáng được thảo luận tại phiên họp, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo cần viết ngắn gọn súc tích; Bổ sung thêm các kết quả đạt được và đánh giá sâu sắc hơn những tồn tại, hạn chế. Bổ sung nội dung chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm, không đủ hoặc không chính xác; trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo hiệu quả chưa cao; trách nhiệm của cấp ủy địa phương liên quan chỉ đạo, xử lý vi phạm không đúng theo pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng; trách nhiệm lãnh đạo tỉnh/ thành phố mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân không tham gia ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng. Đề nghị các nội dung về kiến nghị, giải pháp cần quy định cụ thể, mang tính khả thi cao. Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát tập trung xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, trong đó đánh giá khái quát tình hình và cụ thể, chi tiết, khả thi các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để quản lý tốt Việc việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.