Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Quảng Ninh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông

25/07/2014

Ngày 24.7, hai Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế, trong giai đoạn 2011-2014, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định trên cả 3 lĩnh vực. Về thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tổng vốn huy động đầu tư phát triển đến hết kế hoạch năm 2014 là 167.991 tỷ đồng, tăng bình quân 5,17%/năm; tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP giảm dần qua các năm, vốn đầu tư nước ngoài tăng 74,67%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để vừa hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, vừa phát triển cơ cấu hạ tầng đồng bộ. Về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến hết năm 2013, tỉnh đã hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh, đang trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp đối với 3 công ty để chuyển từ công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần. Các doanh nghiệp sau quá trình chuyển đổi có doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Về thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến 31.3.2014, tổng nguồn vốn hoạt động của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn đạt 81.876 tỷ đồng, tăng 66,1% so với năm 2010 (thời điểm trước tái cơ cấu), trong đó vốn huy động tại địa phương đạt 65.635 tỷ đồng, tăng 93,2% so với năm 2010. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 65.720 tỷ đồng, tăng 50,4% so với năm 2010, nợ xấu các ngân hàng trên địa bàn là 1.857 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng hầu hết các đơn vị ngân hàng trên địa bàn cơ bản trong phạm vi kiểm soát, bảo đảm an toàn của hệ thống. Lợi nhuận năm 2013 đạt 1.724 tỷ đồng.    

Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực và những kết quả bước đầu Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt đã gắn được với tái cơ cấu với quy hoạch tổng thể phát triển của địa phương và chủ trương cải cách hành chính. Đoàn giám sát đề nghị Quảng Ninh tiếp tục tổng kết thực tiễn, làm rõ hơn những khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là những vướng mắc xuất phát từ đặc thù địa phương.

Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Bến xe – bến tàu Quảng Ninh.

+ Tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Báo cáo của VNPT cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, VNPT tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức khá, nộp ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch và là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua. VNPT cũng thường xuyên đổi mới mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh; sắp xếp lại bộ máy tổ chức của các đơn vị thành viên nhằm nâng cao hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh doanh trên từng địa bàn. VNPT đã xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu trình Bộ Thông tin và Truyền Thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9.2013. Đề án tái cơ cấu của VNPT chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp hoàn thiện mô hình tổ chức, tránh cạnh tranh nội bộ; tập trung các nguồn lực đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ít hoặc không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính hoặc các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Đến nay, VNPT đã và đang chuẩn bị các điều kiện và sẽ triển khai Đề án ngay sau khi Chính phủ phê duyệt. Từ ngày 1.1.2013, VNPT đã chuyển giao toàn quyền đại diện chủ sở hữu tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý dưới hình thức chuyển giao nguyên trạng. Ngoài ra, VNPT đã phối hợp với các cổ đông ngoài VNPT thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp. Đến cuối năm 2013, VNPT đã hoàn thành thoái vốn tại 3 quỹ đầu tư. Phấn đấu đến hết năm 2015, VNPT sẽ hoàn thành thoái vốn tại 63 đơn vị trong danh sách đã được Chính phủ phê duyệt.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của VNPT trong việc thực hiện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Đoàn giám sát đề nghị VNPT cần rà soát, đánh giá tác động của tiến trình tái cơ cấu đến vị thế của doanh nghiệp sau khi thực hiện những hoạt động tách một số công ty ra khỏi tập đoàn và thoái vốn ra khỏi một số công ty. Đoàn giám sát yêu cầu VNPT đề xuất các giải pháp để vừa thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu tập đoàn, đồng thời nỗ lực và tạo động lực nhằm tiếp tục giữ vững những kết quả mà VNPT đã đạt được thời gian qua, nhất là giải pháp giải quyết vấn đề lao động dôi dư sau khi thực hiện tái cơ cấu.

N. Giang – N. Điệp

(http://daibieunhandan.vn)