Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, từ năm 2004 – 2013, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ xây dựng trình Chính phủ các dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Đa dạng sinh học; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, chống thiên tai. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định về các vấn đề, như: bảo vệ môi trường đối với nước thải; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường... Đến nay, nhận thức về biến đổi khí hậu đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được ban hành kịp thời. Nhiều văn bản, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai xây dựng và thực hiện. Các chiến lược, kế hoạch của một số bộ, ngành, địa phương đã bước đầu được lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu của các bộ, ngành; đề nghị trong báo cáo của các bộ cần bổ sung kết quả thực tế triển khai chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu tại các địa phương. Trên cơ sở đó có những đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả sử dụng nguồn vốn phân bổ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương, góp phần đưa ra bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với nông nghiệp, nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, nghị quyết, chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu, các bộ, ngành cần đưa ra được đánh giá mới về kịch bản biến đổi khí hậu; xác định mục tiêu trong 10 năm tới cần tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực nào.