Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát tại Cao Bằng và Lào Cai

13/05/2012

Trong hai ngày 10 - 11.5, hai Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Cao Bằng và Lào Cai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

* Tại Cao Bằng, theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua địa phương đã ban hành 32 văn bản quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường. Công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản của UBND các cấp và của tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh từng bước đi vào nền nếp, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và có những chuyển biến tích cực đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, công tác quản lý khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn chưa được thực hiện một cách toàn diện, triệt để, vẫn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép... Từ thực tế, Cao Bằng kiến nghị, QH và Chính phủ xem xét sửa đổi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo hướng cho phép tịch thu, tiêu hủy các phương tiện, thiết bị vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

 

Trước đó, Đoàn giám sát của UBTVQH đã khảo sát thực tế tại mỏ sắt Ngường Cháng; điểm khai thác cát sỏi lòng sông tại xã Hồng Việt, Hòa An; thăm và làm việc tại mỏ thiếc Tĩnh Túc; mỏ đá vôi xi măng Nà Lũng, mỏ đá Xóm 8, mỏ sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung; làm việc với Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng.

 

Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Cao Bằng cần gắn quy hoạch về khoáng sản với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và với các quy hoạch phát triển của các ngành khác; cần xác định tiêu chí cấp phép và gia hạn các dự án khai thác khoáng sản ở địa phương. Thống kê cụ thể diện tích rừng bị mất do khai thác khoáng sản và diện tích rừng đượåc phục hồi sau khai thác…

 

* Tại Lào Cai, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản tại Mỏ sắt Quý Sa; Công ty TNHH Việt Trung; nhà máy luyện đồng Lào Cai; mỏ cát Bến Đền; công ty Apatít Việt Nam, mỏ đồng Sin Quyền và có buổi làm việc với UBND tỉnh.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 30 loại khoáng sản, đặc biệt có nhiều loại khoáng sản có trữ lượng rất lớn như quặng đồng khoảng 450 triệu tấn; Apatít trên 2,5 tỷ tấn… tổng giá trị nộp ngân sách năm 2011 đạt trên 670 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 6.000 lao động. Về cơ bản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đều thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; các thủ tục về môi trường như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, phương án ký quỹ phục hồi môi trường… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường, làm cho hạ tầng đường giao thông bị xuống cấp, ô nhiễm bụi, nước… ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

 

Tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về xuất khẩu khoáng sản, trong đó quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản trên nguyên tắc hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô và sơ chế; đề nghị Bộ TN - MT sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về khoáng sản theo Luật Khoáng sản 2010. Phê duyệt các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để có cơ sở cho các tỉnh lập quy hoạch khoáng sản và quản lý cấp phép khoáng sản theo quy định.

 

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời, yêu cầu tỉnh làm tốt công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, tránh khai thác tràn lan, kém hiệu quả, không đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với những mỏ có các bãi thải lớn…

 

H.Ngọc - C.Tuấn

(http://daibieunhandan.vn)