|
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật ưu đãi xã hội đối với người có công tiếp tục thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công. Hiện nay, hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật về ưu đãi người có công tương đối toàn diện, cùng với chế độ ưu đãi xã hội được mở rộng và nâng cao, người có công được Nhà nước và toàn xã hội chăm sóc tốt hơn cả vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về người có công trên thực tế đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, với sự phát triển KT-XH của đất nước hiện nay, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người có công và thân nhân của họ; một số quy định thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Ngoài ra, còn có một số tồn tại trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng; giải quyết chế độ với người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; việc xác định danh tính liệt sỹ…
Tại buổi làm việc đại diện các bộ, ngành đã đề xuất, sửa đổi bổ sung một số điểm trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, sửa đổi bổ sung điều kiện xác nhận liệt sỹ đối với các trường hợp mất tin, mất tích; chết trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập có tính chất đặc biệt nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ. Bổ sung chế độ BHYT đối với thân nhân của người có công; bổ sung thêm mức trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân có hai liệt sỹ trở lên; bổ sung chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày…
Đoàn giám sát ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành về những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công. Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, các bộ, ngành có liên quan cần rà soát lại toàn bộ việc thực hiện các quy định hiện hành; đồng bộ hóa các quy định trong một nghị định thống nhất; làm rõ một số quan điểm, bổ sung một số nhóm đối tượng người có công; đề nghị các bộ, ngành liên quan thống nhất một số vấn đề xuất với UBTVQH trong việc ban hành chính sách mới về người có công khả thi và phù hợp với thực tiễn.